Xử lý ô nhiễm POP: Đã xong 5 điểm nặng nhất
Dự án đã phân loại, đưa ra 100 điểm có mức độ tiềm ẩn rủi ro cao nhất để tiến hành xử lý, trong đó đã hoàn thành xử lý và phục hồi môi trường 5 điểm ô nhiễm là: Núi Căng (Thái Nguyên), Thạch Lưu (Hà Tĩnh); Hòn Trơ, Mậu 2, Vực Rồng (Nghệ An).
Theo đó, trong giai đoạn này, Dự án đã soạn thảo hướng dẫn kỹ thuật và quy trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực tồn lưu hóa chất BVTV gây ô nhiễm; ban hành hướng dẫn kỹ thuật và quy trình xử lý, tiêu hủy an toàn các loại hóa chất, bao bì tồn lưu; hướng dẫn đánh giá, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra.
Các nhiệm vụ xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất thuốc BVTV tồn lưu cũng đã được Dự án tập trung điều tra, xác định chi tiết mức độ ô nhiễm và phạm vi ô nhiễm tại các điểm hóa chất BVTV tồn lưu phát sinh; Quy hoạch, xây dựng và quản lý kho lưu giữ hóa chất BVTV nhập lậu, không rõ nguồn gốc; Kiểm tra, giám sát và hướng dẫn xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường…
Nói về những đóng góp của Dự án trong các văn bản pháp lý, ông Nguyễn Hòa Bình - PGĐ – BQL Dự án cho biết: “Tính đến tháng 4/2012, Dự án đã rà soát xong các văn bản hiện hành, phát hiện thiếu sót và đề xuất phương án giải quyết như: Rà soát các văn bản pháp luật hiện hành về xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu; xây dựng xong kỷ yếu các văn bản pháp lý trong quản lý hoá chất BVTV dùng để các tra cứu”.
Cũng theo ông Bình, trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục xây dựng Thông tư về quản lý đất ô nhiễm hoá chất BVTV tồn lưu; xây dựng quy chuẩn về ngưỡng quản lý, xử lý đất nhiễm hoá chất BVTV POP trong đất và xây dựng cơ chế phối hợp các bên liên quan trong quản lý hoá chất BVTV…trình phê duyệt.
Trước những bất cập cả về năng lực cũng như phương pháp xử lý, quản lý hóa chất tồn lưu, hóa chất bắt mới của các cán bộ ngành BVTV, giai đoạn 1, Dự án đã phối hợp với Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), Tổng cục Hải quan, lên kế hoạch tập huấn cho cán bộ hải quan, nông nghiệp nhằm tăng cường năng lực trong việc bốc xếp, vận chuyển và lưu trữ an toàn các hóa chất BVTV bị bắt giữ.
Không chỉ có vậy, để đưa ra các phương án xử lý, quản lý điểm ô nhiễm hoá chất BVTV tồn lưu (EMP), Dự án đã điều tra, khảo sát và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quản lý hoá chất BVTV tồn lưu; Xây dựng mô hình tổng quát điểm CSM; tập huấn đánh giá sơ bộ địa điểm; phân tích rủi ro và đánh giá chi tiết mô hình tổng quát điểm CSM tại Hà Tĩnh, Thái Nguyên… Tiếp đó xây dựng “Sổ tay kỹ thuật chi tiết hướng dẫn quản lý thuốc BVTV” phục vụ cho những người làm công tác chuyên môn.
Kết thúc giai đoạn 1, Dự án đã tiến hành đánh giá hiện trạng hóa chất bị bắt giữ tại biên giới; tình trạng xuống cấp trầm trọng của các kho chứa và nhu cầu cần thiết trong việc cải tạo, xây mới kho lưu chứa. Đồng thời, xử lý thành công kho hóa chất độc hại tồn lưu tại Núi Căng -Thái Nguyên với hơn 25.000 kg hóa chất và đất nhiễm. Đến nay, khu vực này đã được đậy nắp bể, đảm bảo vệ sinh môi trường; xung quanh, người dân đã bắt đầu sản xuất trở lại bằng việc trồng sắn và các loại hoa màu.
Ông Đào Xuân Lai –Trưởng phòng phát triển bền vững - Tổ chức UNDP - đơn vị tài trợ chính cho Dự án nhận định: “Giai đoạn 1 - Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ các hóa chất bảo vệ thực vật chứa POP tồn lưu trên Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây sẽ là bước đệm vững chắc cho các giai đoạn tiếp theo nhằm đẩy mạnh quá trình xử lý, tiêu hủy các điểm tồn lưu và kiểm soát hiệu quả tình trạng nhập khẩu, sử dụng trái phép các hóa chất BVTV thuộc nhóm POP”.
Vân Anh