WWF hỗ trợ nuôi tôm bền vững ở Việt Nam
(Dân trí) - Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa hỗ trợ một công ty của Việt Nam trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở châu Á có vùng sản xuất tôm đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thuỷ sản Bền vững (ASC).
Với sự hỗ trợ của WWF và IDH, 22 ha ao nuôi tôm của Công ty Quốc Việt đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội của ASC vào tháng 10/2014.
Để đạt được chứng nhận này Công ty Quốc Việt, một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, đã nỗ lực giải quyết những thách thức lớn về môi trường và xã hội trong nuôi trồng tôm.
Đây chỉ là một trong những công ty nhận được sự hỗ trợ từ WWF-Việt Nam và tổ chức IDH trong tiến trình đạt chứng nhận ASC. Các công ty này cũng thu mua tôm từ những người nuôi quy mô nhỏ do WWF-Việt Nam hỗ trợ và họ cũng đang nỗ lực để đạt chứng nhận ASC trong tương lai. Thông qua hợp tác này, WWF giúp các nhà sản xuất cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao năng lực để đạt chứng nhận ASC.
Dự kiến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có thêm 3 vùng nuôi tôm với tổng diện tích là 150 ha đạt chứng nhận ASC. Trong những năm tiếp theo, WWF sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 4 công ty và 4 nhóm trang trại nhỏ khác đạt được chứng nhận ASC.
Ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên Chương trình Nuôi trồng Thuỷ sản của WWF-Việt Nam cho biết: “Có rất nhiều vùng nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt từ những năm 1980 khi ngành công nghiệp sản xuất tôm phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển nhanh chóng của ngành, đặc biệt từ các vùng nuôi tôm nhỏ, đã có những tác động nghiêm trọng đối với môi trường.”
“Với chứng nhận ASC, các nhà xản xuất có thể vươn ra thị trường quốc tế và đặc biệt tới các quốc gia châu Âu – nơi có nhu cầu cao về các sản phẩm có trách nhiệm và đạt chứng chỉ,” bà Esther Luiten, Quản lý Chương trình Marketing Thương mại của ASC cho biết.
Hiện nay, đã có 13 vùng nuôi tôm của Việt Nam và Ecuador đang tham gia chương trình này.
Khi thực hiện theo tiêu chuẩn ASC, các vùng nuôi tôm phải đặt ra mục tiêu giảm các tác động về mặt môi trường và xã hội thông qua việc bảo tồn đất ngập nước và rừng ngập mặn; giải quyết các vấn về lây nhiễm vi rút và giảm thiểu mầm bệnh; mang lại nguồn nước sạch hơn và đảm bảo việc sử dụng bền vững nguồn nước; đảm bảo sử dụng nguồn thức ăn có trách nhiệm; và giải quyết các vấn đề về đa dạng sinh học.
Nguyên An