Ưu tiên hàng đầu ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả
Việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đi đôi với sử dụng năng lượng có hiệu quả, phải là một trong các ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong thời gian tới .
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị nên tập trung xem xét vấn đề tăng cường hợp tác để đảm bảo an ninh năng lượng cho ASEAN và việc ứng phó với biến đổi khí hậu đi đôi với việc sử dụng năng lượng có hiệu quả, một trong các ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
“Biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những thách thức lớn của thế giới và ASEAN. Việc hợp tác nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính cần được kết hợp chặt chẽ, lồng ghép nhuần nhuyễn với các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển thương mại, đầu tư và hợp tác của ASEAN, cả trong nội khối cũng như với các nước đối tác”, Thủ tướng lưu ý.
7 giải pháp hợp tác năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu
Để đạt được các mục tiêu chính nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần chú trọng thực hiện 7 giải pháp.
Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy dự án kết nối hệ thống điện, hệ thống đường ống khí xuyên ASEAN, thực hiện Hiệp định an ninh dầu khí ASEAN để đảm bảo cung cấp hỗ trợ lẫn nhau về điện và dầu khí giữa các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là trong các điều kiện, tình huống khẩn cấp. Thúc đẩy mạnh mẽ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ than sạch giữa các nước trong khối ASEAN và với các nước đối tác để đáp ứng nhu cầu sử dụng than đang tăng nhanh.
Thứ ba, tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là trong sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trên quy mô vừa và lớn, phấn đấu đạt mục tiêu 15% trong tổng tiêu thụ năng lượng vào năm 2015 và cao hơn trong các năm sau đó.
Thứ tư, xem xét hỗ trợ phát triển thị trường năng lượng trong khu vực, tăng cường nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ mới, khả thi và hiệu quả; cùng với những cam kết mạnh hơn trong việc hỗ trợ tài chính, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và cơ chế mới hữu hiệu hơn cho việc xây dựng các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM)…
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác về lập quy hoạch và chính sách năng lượng của khu vực nhằm đảm bảo an ninh cung và cầu về năng lượng, về khai thác và chuyển hoá, vận chuyển và phân phối dầu khí cũng như bảo vệ môi trường. Nghiên cứu khả năng hợp tác trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình như là nguồn năng lượng thay thế bền vững và ít phát thải.
Thứ sáu, xây dựng kế hoạch hợp tác giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác và cộng đồng quốc tế về phát triển nền kinh tế các-bon thấp.
Thứ bảy, tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các doanh nghiệp và các chính phủ nhằm đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng.
Khả năng kết nối lưới điện các nước ASEAN
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, tham dự Hội nghị AMEM 28 có khoảng 500 khách quốc tế tham dự gồm Bộ trưởng 10 nước ASEAN và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Ðộ, New Zealand, Australia... Phía Việt Nam có khoảng 100 đại biểu gồm lãnh đạo bộ, ngành liên quan của Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp...
Cùng với Hội nghị cấp bộ trưởng, sẽ diễn ra 10 hội nghị liên quan và các hoạt động như triển lãm năng lượng, diễn đàn năng lượng ASEAN, trao giải thưởng về năng lượng…
Hội nghị AMEM 28 tập trung thảo luận chủ yếu Chương trình hợp tác năng lượng ASEAN 2010-2015; Chương trình hành động ASEAN về hợp tác năng lượng (APAEC) giai đoạn 2010 - 2015 (được AMEM 27 thông qua ngày 27/7/2009 tại Myanmar gồm 7 nội dung: lưới điện ASEAN, đường ống gas xuyên ASEAN; than và công nghệ than sạch; bảo tồn và hiệu quả năng lượng; năng lượng tái tạo; chính sách và kế hoạch năng lượng khu vực; năng lượng hạt nhân dân sự).
Một trong những vấn đề an ninh năng lượng được ASEAN đặc biệt quan tâm tại hội nghị này là khả năng kết nối lưới điện các nước ASEAN, lưới điện Tiểu vùng sông Mekong, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo cơ hội mở rộng thị trường bán điện, kích thích đầu tư.
Bên cạnh đó, vấn đề hợp tác năng lượng ASEAN với các đối tác cũng sẽ được thảo luận như hợp tác: ASEAN+3: ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; ASEAN+6: ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand; ASEAN và Nhật Bản; ASEAN và EU...