TT-Huế: Giảm thiểu 1,8 triệu tấn khí thải CO2 trong 4 năm tới

(Dân trí) - Ngày 8/6, UBND tỉnh TT-Huế và WWF Việt Nam đã tổ chức hội thảo ra mắt dự án “Dự trữ Các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng”, kéo dài 4 năm với mục tiêu chính là giúp giảm gần 1,8 triệu tấn khí thải CO2.

Đây là một tiểu dự án của Dự án “Ngăn chặn phá rừng và suy thoái rừng ở khu vực biên giới phía Nam Lào và miền Trung Việt Nam để bảo toàn lâu dài các bể chứa các-bon và đa dạng sinh học” của WWF Greater Mekong.

Mục tiêu dự án là phát triển các phương án quản lý bền vững cho khu vực rừng biên giới Việt Lào, rộng khoảng 200.000ha, có giá trị đa dạng sinh học toàn cầu và khả năng hấp thu các-bon cao. Trong 4 năm thực hiện dự án sẽ giúp giảm thiểu khoảng 1,8 triệu tấn lượng khí thải CO2.

TT-Huế: Giảm thiểu 1,8 triệu tấn khí thải CO2 trong 4 năm tới - 1
Nhiều quan khách trong nước và quốc tế đã về dự hội thảo

Ông Văn Ngọc Thịnh, quản lý Chương trình Bảo tồn Trung Trường Sơn, WWF Việt Nam cho biết “Thành công của dự án sẽ được thể hiện thông qua một loạt các chỉ số bao gồm diện tích rừng được phục hồi và bảo vệ, sự tác động vào rừng từ những hoạt động khai thác gỗ trái phép được giảm xuống. Bên cạnh đó là sự đa dạng và số lượng quần thể của các loài động vật có vú sẽ tăng lên, các hộ gia đình địa phương sẽ có nguồn thu nhập cao hơn với sự trợ giúp của dự án”.

Các dãy núi Trường Sơn ở miền Trung Việt Nam và Nam Lào được biết đến như một bể chứa các-bon quan trọng, một khu vực đa dạng sinh học cao: tính đặc hữu duy nhất. Đây là một trong những vùng rừng tự nhiên liền mạch lớn nhất ở lục địa châu Á, là vùng sinh thái trọng tâm của WWF và đặc biệt, là khu vực mà nạn phá rừng đang xảy ra một cách nghiêm trọng.

Vùng hoạt động của dự án sẽ bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên Sao la ở Huế, Quảng Nam và vườn Quốc gia Bạch Mã mở rộng, khu bảo tồn Xe Sap của Lào. Những khu vực này được kết nối với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (TT-Huế) và Sông Thanh (Quảng Nam) thông qua các hành lang rựng tự nhiên.

Dự án đã được nhận hỗ trợ tài chính 7 triệu Euro từ quỹ Sáng kiến Khí hậu quốc tế (ICI) của Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn Nguyên tử CHLB Đức (BMU) thông qua Ngân hàng phát triển Đức và thêm 1,2 triệu Euro từ WWF Đức.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm