Đà Nẵng:

Trả lại môi trường 1 cá thể voọc chà vá chân nâu

(Dân trí) - Ngày 5/6, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà -Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã tiếp nhận và tái thả lại rừng 1 cá thể voọc vá chân nâu. Cá thể voọc này trong tình trạng suy nhược, hoảng loạn do bị lạc đàn và di chuyển vào khu vực Bãi Bụt.

Voọc vá chân nâu hay còn gọi là Chà vá chân đỏ có tên khoa học Pygathrix nemaeus, là loài Linh trưởng (Primates) thuộc phân họ Khỉ ăn lá (Colobinae). Đây là loài động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm được pháp luật bảo vệ. 

Voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà
Voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà

Ở Việt Nam, voọc vá chân nâu sống chủ yếu trong các khu rừng mưa nhiệt đới của Trung Trường Sơn (gồm các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng). Trong số này có trên 60% cá thể phân bố ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng).

Các kết quả điều tra đều cho rằng số lượng quần thể voọc vá chân nâu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang suy giảm nghiêm trọng. Hiện đã xác định được ít nhất có 18 đàn voọc vá chân nâu với số lượng khoảng 300 cá thể với kích cỡ đàn trung bình là 14 - 17 cá thể/đàn.

Được biết, đây là cá thể voọc vá chân nâu thứ 8 đã được Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cứu hộ và tái thả lại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà từ năm 2005 đến nay cùng với 2 cá thể voọc (trưởng thành) đã chuyển giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương và 1 cá thể voọc non chuyển giao cho Thảo Cầm Viên TPHCM để chăm sóc nuôi dưỡng phục vụ nghiên cứu bảo tồn gen.

Hiện trên thế giới, voọc vá chân nâu được xem là loài thú đặc hữu của Việt Nam và Lào, trong đó trên 80% số lượng cá thể phân bố ở Việt Nam.

Công Bính