TPHCM:

Tội phạm về môi trường ngày càng phức tạp và nghiêm trọng

(Dân trí) - Đánh giá về tình hình tội phạm môi trường, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho rằng, tình trạng này ngày càng phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng.

Ngày 1/8, tại TPHCM diễn ra hội thảo “Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại (CTNH)” do Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) tổ chức.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại.

Theo tổng kết của C49, hiện nay cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp có chức năng, nhiệm vụ, giấy phép xử lý CTNH. Thế nhưng, các doanh nghiệp này lại không làm theo đúng quy trình mà đem chất thải về chôn ngay tại khuôn viên của đơn vị mình. Điển hình trong số doanh nghiệp này là Công ty Môi trường xanh (Vũng Tàu), Xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương... Mặt khác, địa phương nào cũng có doanh nghiệp vi phạm về môi trường, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… Các hoạt động thanh tra, kiểm tra phòng chống vi phạm trong lĩnh vực này mới chỉ phát hiện xử lý khoảng 10% so với vi pham thực tế.
 
Tội phạm về môi trường ngày càng phức tạp và nghiêm trọng - 1
Chất thải nguy hại đang "đầu độc" cuộc sống con người (Ảnh minh họa)

Theo C49, cả nước có hơn 1 triệu tấn chất thải nguy hại, phát sinh chủ yếu từ các nguồn sản xuất công nghiệp, làng nghề, dịch vụ khoa học y tế. Trong đó, chỉ khoảng 60% CTNH được xử lý. Số còn lại bị chôn lấp, đổ thải hoặc tái sử dụng một cách trái phép.

Điều đáng nói, nguồn của CTNH không chỉ xuất phát từ các công ty, xí nghiệp trong nước mà còn từ nước ngoài được nhập khẩu vào nước ta. Chất thải này tràn vào Việt Nam bằng mọi cách và dần xuất hiện các “Mafia” về rác. “Buôn ma túy vài gram là đã tử hình nhưng buôn rác thì không sao cả mà lợi nhuận lại cao. Chúng ta đang trở thành bãi rác của các nước công nghiệp phát triển, bãi rác của thế giới”, tướng Lý nói.

Tác hại của các loại chất thải này ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của con người là không thể đong đếm được. Đó cũng là nguyên nhân tại sao thời gian gần đây xuất hiện nhiều làng ung thư, các bệnh truyền nhiễm, dịch tả, tay chân miệng… bùng phát.

Thế nhưng, địa phương, ngành chức năng nào cũng lo cái lợi trước mắt, quan tâm đến lợi ích cục bộ của riêng mình nên đã “lờ” đi trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tội phạm hình sự cướp của, giết người sẽ bị tử hình nhưng tội phạm trong lĩnh vực môi trường giết cả thế hệ chỉ phạt 500 triệu đồng là xong. Chính vì vậy mà tội phạm môi trường ngày càng nhiều. Hơn nữa, vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật, một chế tài mạnh, thực sự là “cây gậy” để đặc trị loại tội phạm này.

Trước tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng phổ biến, phức tạp, nghiêm trọng,  C49 cho biết sẽ mở rộng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng và đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này.

Công Quang