Thừa Thiên Huế:
Toàn bộ hệ đầm phá chưa bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển
(Dân trí) - Chiều 14/7, trong buổi họp báo thường kỳ quý II/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh này đã thông báo về tình hình “hậu sự cố” môi trường biển tại địa phương.
Ông Khanh cho biết, qua theo dõi liên tục và quan trắc nhiều điểm tại hệ đầm phá nước lợ Tam Giang – Cầu Hai rộng hơn 22.000 hecta của tỉnh Thừa Thiên Huế từ đầu tháng 5/2016 đến nay, một điều rất mừng là toàn bộ hệ đầm phá này chưa bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Toàn bộ các chỉ số trong nước lợ đầm phá đều đạt ngưỡng an toàn. Duy chỉ có đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) vào đầu tháng 5 có ảnh hưởng một phần nhỏ bởi sự cố môi trường biển, dẫn đến một phần cá nuôi lồng bị chết. Còn lại các đầm ven biển Thuận An, Hải Dương… đều không bị ảnh hưởng từ nước biển đưa vào trên đánh giá nhiều thông số nước.
“Tại Thuận An, Hải Dương đầu tháng 5 có một số lượng cá nuôi lồng nước lợ bị chết, qua kiểm tra thì cơ quan chức năng phát hiện ra các lồng cá nuôi đó đặt cách đáy nước quá sát, khoảng 0,2-0,3 mét trong khi khoảng cách tối thiểu là 1 mét. Nguồn thức ăn thả xuống lâu ngày tích tụ thành chất cặn bẩn làm ô nhiễm nguồn nước và lồng nuôi quá sát nên không có nguồn oxy cho cá. Ngoài ra có một đợt tôm bị chết nhưng xác định đó là nguồn giống không đảm bảo” – ông Khanh cho biết một số sự cố tại hệ đầm phá Thừa Thiên Huế thời gian qua.
Hiện có khoảng hơn 1.000 hộ dân sinh kế trực tiếp nhờ vào đầm phá Tam Giang – Cầu Hai với nghề chăn nuôi và khai thác hải sản. Thời gian qua, do sự cố môi trường biển khiến tâm lý mọi người cực kỳ lo ngại không dám ăn hải sản biển. Từ đó kéo theo việc tiêu thụ hải sản đầm phá bị ảnh hưởng nặng nề. Khẳng định với PV, ông Khanh khuyến cáo đến nay mọi người có thể yên tâm ăn hải sản đầm phá Huế.
Sắp tới, tỉnh sẽ đề xuất Trung ương đầu tư hệ thống quan trắc tự động môi trường nước đặt trên đầm phá để theo dõi sát sao, thường xuyên các chỉ số; cập nhật trên website UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm thông báo tới toàn thể người dân.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang thống kê, tính toán để có số liệu cụ thể nhằm bồi thường, hỗ trợ người dân và các ngành liên quan về sự cố môi trường biển cá chết do Formosa gây ra. Theo ông Khanh, việc hỗ trợ sinh kế cho người dân được lãnh đạo tỉnh rất chú trọng vì đó là “bài toán” về lâu dài cho dân sinh sống bằng nghề biển có thể trụ được và phát triển bền vững sau sự cố Formosa.
“Nền kinh tế của Thừa Thiên Huế đã chịu tác động lớn bởi hiện tượng hải sản chết bất thường từ sự cố môi trường biển vừa qua. Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng âm. Dịch vụ lưu trú tăng trưởng thấp, một phần do các hoạt động liên quan đến kinh doanh dịch vụ du lịch biển bị thu hẹp” – theo Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của tỉnh này.
Đại Dương