Nghệ An:

Thách thức giữ rừng khi có quá nhiều... chủ rừng

(Dân trí) - Liên tiếp những vụ lâm tặc tổ chức phá rừng quy mô lớn thời gian gần đây ở Nghệ An trở thành một thách thức đối với các cơ quan chức năng. Một nguyên nhân được nhắc nhiều, rừng bị tàn phá là do có quá nhiều chủ.

dsc06611-f0e5e

Gỗ tại rừng Mậu Đức bị khai thác do công an bắt giữ tại kho xưởng 3/2 công ty lâm nghiệp Con Cuông.

Thời gian gần đây tại mảnh đất xứ Nghệ có nhiều vụ phá rừng gây xôn xao dư luận. Mới đây nhất, có vụ phá rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ở huyện Quế phong khi lâm tặc đã triệt hạ 3 cây sa mu dầu hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ ở cách khu vực biên giới Việt - Lào không xa. Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã đo được 3 cây sa mu bị triệt hạ lên tới hơn 200m3 (gồm cả cành). Đặc biệt, lực lượng chức năng cũng đã tóm cổ 5 tên lâm tặc liên quan đến vụ việc này và chờ ngày xét xử.

Trước đó, ngày 29 tháng 6 năm 2015, Phòng cảnh sát môi trường công an tỉnh Nghệ An phá thành công vụ phá rừng tại Động Đèo, xã Mậu Đức (huyện Con Cuông) và bắt quả tang ngay trong đêm hai lâm tặc Nguyễn Mậu Thạch (25 tuổi, trú xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương) và Lô Hồng Thiện (21 tuổi, bản Kẻ Mẻ, xã Mậu Đức). Sau đó bắt viết bản tự khai để hoàn thiện hồ sơ rồi mới dẫn giải xuống chân núi, đưa hai lâm tặc ra khỏi vùng Động Đèo.

Sau đó tại khu vực Khe Lại lực lượng PC49 đang khống chế chiếc máy kéo đổ gỗ xuống bãi. Hai tài xế Hà Thanh Thủy (32 tuổi) và Lương Văn Tam (30 tuổi) bị bắt quả tang đang lái máy kéo đều trú tại bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức...

dsc06610-6b847
3 chiếc máy kéo là tang vật vận chuyển gỗ từ đỉnh đèo ra nơi tập kết bị bắt giữ tại kho xưởng 3/2 công ty lâm nghiệp Con Cuông

Điều dáng quan tâm là lâm tặc ở đây làm thuê cho hai loại đầu nậu. Có đầu nậu trang bị đầy đủ phương tiện cưa xẻ, máy kéo, xe bò và lương thực thực phẩm cho lâm tặc. Có đầu nậu mua gỗ lậu tại hiện trường. Bốn lâm tặc vừa bị tóm đều khai làm thuê cho một trùm đầu nậu có tên tuổi lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn bộ gỗ bị thu giữ tại Động Đèo, xã Mậu Dức khoảng 40m3 gồm gỗ giẻ, táu, ngát... trước đó một tuần, lâm tặc đã tuồn hơn 100m3 gỗ ở vùng rừng này xuống sông Cả bán cho các lái buôn huyện Đô Lương.

Theo bà con dân bản cho biết: Tại đây có năm toán lâm tặc, toán đông nhất là bảy người với ba cưa xăng. Lâm tặc hoạt động trên diện rộng, cứ thấy gỗ là cưa. Trong số lâm tặc này có một người là thông gia của cán bộ trạm kiểm lâm Mậu Đức…

c10-e4bdc-64bea
Mới đây nhất vụ lâm tặc triệt hạ 3 câ sa mu hàng trăm năm tuổi tại khu bảo tồn Pù Hoạt.

Để làm rõ và hoàn thiện hồ sơ vụ phá rừng, sáng ngày 30-6, PC49 thông báo với UBND huyện Con Cuông vụ bắt giữ lâm tặc và yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn để đối phó với tình hình xấu có thể xảy ra trong và ngoài vùng rừng đang bị lâm tặc tận diệt.

Ngay sau đó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông đã triệu tập lãnh đạo các cơ quan chức năng gồm Công an huyện, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện họp khẩn tại trụ sở xã Mậu Đức để bàn hướng xử lý vụ phá rừng vừa bị PC49 triệt phá. Trong khi đó, một lực lượng khác được huy động gồm cảnh sát môi trường, công an huyện và xã, kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ để lo việc canh giữ gỗ lậu tại Động Đèo.

Lực lượng này có nhiệm vụ tổ chức thu gom, vận chuyển toàn bộ gỗ lậu ra khỏi rừng và xác định vị trí rừng bị tàn phá; bảo vệ hiện trường giúp Công an huyện Con Cuông tiếp cận, thu thập chứng cứ để khởi tố vụ án.

Đây là vụ án phá rừng có quy mô rất lớn và rất trắng trợn! Tìm hiểu nguyên nhân tại sao có ít nhất 3 chủ rừng là: Chính quyền xã, Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ Con Cuông. Nhưng lại để lâm tặc ngang nhiên tàn phá rừng ở quy mô lớn là do chính quyền cơ sở yếu kém, trách nhiệm của chủ rừng và lực lượng chức năng như kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ quá yếu kém hay tình trạng rừng nhiều chủ nên không ai quản lý?

Khi các cơ quan chức năng làm việc với trạm kiểm lâm Mậu Đức. Đây là cửa ngõ vào rừng (trạm kiểm soát kiểm lâm Mậu Đức cách đỉnh Động Đèo gần 10km) cũng là điểm duy nhất ngăn chặn gỗ lậu ra sông Cả. Tại đây, khi được hỏi một số cán bộ trạm có biết hay không tình trạng rừng bị tàn phá tan hoang từ Khe Lại vào đến Động Đèo suốt nhiều ngày qua? Thì hầu hết các cán bộ ở đây không biết và đổ lổi cho việc lo kiểm kê chuyện cháy rừng (trước đó khu vực này có vu cháy rừng nhỏ).

Một cán bộ (xin được dấu tên) UBND xã Mậu Đức cho biết: “Chúng tôi rất sửng sốt và đau lòng khi biết rừng ở ngay nách mình mà lại bị tàn phá dữ dội như vậy. Do chúng tôi... tin ở các cấp trên nên chỉ lo việc chính quyền là chính”.

c22-e4bdc-97bcb
Cây sa mu có đường kính từ 2-2,7m bị bọn lâm tặc triệt hạ không thương tiếc. Và câu chuyện phá rừng tại Nghệ An và đặc biệt là khu vực biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Vẫn biết rằng sự tồn tại của rừng đang đòi hỏi rừng phải có chủ, nhưng phải siết chặt trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng, làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu, để xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cấp trên như Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm, Chi cục lâm nghiệp cũng cần phải theo kịp tiếng chuông báo động này. Nếu cứ làm ngơ, bỏ mặc thì rừng ngày càng bị tàn phá?.

Gần đây, lâm tặc không chỉ tàn phá rừng chuyển đổi sang sản xuất, rừng phòng hộ mà còn cả rừng trong khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc địa bàn Pù Huống và ngay cả rừng trong vườn quốc gia Pù Mát cũng đang bị lâm tặc hủy diệt. Đảng và Nhà nước ưu tiên, đầu tư cho miền núi mục đích chính là để giữ rừng.

Để rừng được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt theo chúng tôi cần rà soát sắp xếp lại các cơ quan chức năng bảo vệ rừng, nên chăng nên đầu tư giao rừng tận các chủ hộ dân và giao cho chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Còn cứ để tình trạng rừng có nhiều chủ dẫn đến “Cha chung không ai khóc” thì rừng tiếp tục bị tàn phá là điều khó tránh khỏi.

Nhóm PV