ĐBSCL:

“Sinh thái tự nhiên cần sự bảo tồn phát triển hơn là khai thác để phát triển”

(Dân trí) - Đó là nhận định mà hầu hết các đại biểu tham dự đều nhất trí trong Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL diễn ra ngày 5/6 tại TP Cần Thơ.

“Sinh thái tự nhiên cần sự bảo tồn phát triển hơn là khai thác để phát triển”  - 1

Quang cảnh diễn đàn tại TP Cần Thơ

 

 

Mở đầu diễn đàn, TS. Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ) nhận định, ĐBSCL có nguy cơ tổn thương cao do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

 

Một số tác động của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái như nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước sẽ bị đe dọa ảnh hưởng, sự bền vững trở nên mong manh hơn, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt, nhưng cũng sẽ có một số côn trùng gia tăng; diện tích canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp; an ninh lương thực bị đe dọa; nghèo đói, bệnh tật gia tăng; tài nguyên tự nhiên bị xâm hại; di dân từ nông thôn lên thành thị; rừng suy kiệt và không bền vững; biến động tiêu cực về kinh tế - xã hội; ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường… 

 

Nhiều khu vực của vùng sẽ bị tác động như nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ gia tăng từ 33-35 độ C lên 35-37 độ C; lượng mưa đầu vụ hè thu sẽ giảm chừng 10-20%; sự phân bố mưa tháng sẽ có khuynh hướng giảm vào đầu và giữa vụ Hè thu nhưng gia tăng một ít vào cuối mùa mưa; tổng lượng mưa năm tại An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng sẽ giảm chừng 20%, đồng thời thời kỳ bắt đầu mùa mưa sẽ trễ hơn khoảng 2 tuần lễ; diện tích vùng ĐBSCL bị ngập sẽ mở rộng hơn về phía Bạc Liêu, Cà Mau…

 

Bà Ruth Mathews - Quản lý Chương trình WWF (Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên) Việt Nam, cho rằng ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên trái đất, 8,5 triệu người mất nhà ở nếu nước biển dâng cao 1m; năng suất lúa giảm 10% nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C và kéo theo đó là giảm nguồn lợi thủy sản, nhiều lũ mạnh trong mùa mưa, thiếu nước ngọt trong mùa khô, tỷ lệ nhiễm mặn cao. 

 

Theo bà Ruth, nền kinh tế ĐBSCL phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, trong đó phần lớn các hộ gia đình đều tham gia nghề thủy sản để sinh kế (hơn 70% lượng cá đánh bắt ở hạ lưu sông Mekong phụ thuộc quãng đường di cư lớn). 

 

“Cho nên nếu phát triển nhanh trong lưu vực mà cụ thể nếu các con đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính sông Mekong, dòng sông của chúng ta sẽ bị biến đổi mãi mãi. Đó là thay đổi dòng chảy sông, thay đổi chế độ lũ, lưu giữ trầm tích trong hồ chứa, ngăn chặn các đường di cư của cá, giảm lượng chất dnh dưỡng và nắng suất ”- bà Ruth Mathews nhấn mạnh. 

 

Còn theo GS.TS Đoàn Cảnh (Viện Sinh học nhiệt đới - TPHCM) đánh giá, đa dạng sinh học là nguồn sống của ĐBSCL. ĐBSCL có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú với nhiều loài động, thực vật số lượng lớn. Tuy nhiên đa dạng sinh học ở đây đang chịu nhiều thách thức với việc khai thác quá mức phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; ảnh hưởng của sự gia tăng tác động quá mức từ thượng nguồn sông Mekong chủ yếu là hệ thống đập; tác động của biến đổi khí hậu sẽ nặng nề hơn trong tương lai.

 

Cùng những nhận định với GS.TS Đoàn Cảnh, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng việc xây dựng quá nhiều con đập trên thượng nguồn sông Mekong sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tự nhiên của vùng hạ lưu. Nước là yếu tố sống còn có giá trị chi phối đến sự tồn vong của đa dạng sinh học. Cuộc sống của thiên nhiên và con người ở ĐBSCL phụ thuộc chặt chẽ vào tình trạng “sức khỏe” của sông Mekong. 

 

Các hệ tự nhiên luôn là sản phẩm của quá trình tiến hóa thích nghi qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm dưới tác động của môi trường luôn biến đổi nhưng có quy luật tự nhiên nhất định theo không gian và thời gian. Do vậy không dễ đổi thay tùy tiện. GS.TS Đoàn Cảnh nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ khai thác để phát triển sang chiến lược bảo tồn để phát triển”.

 

Một số giải pháp mà các đại biểu đưa ra, các đại biểu cho rằng công việc bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ là công việc của các nhà khoa học, bảo vệ môi trường mà còn là nhiệm vụ của toàn ngành, mọi tầng lớp nhân dân. Nền sản xuất mới quy mô lớn đòi hỏi nắm bắt đầy đủ các quy luật tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

 

Và theo nhận định chung là lãnh đạo các địa phương cần có những chính sách, cơ chế bảo vệ hợp lý khu sinh thái tự nhiên của khu vực mình quản lý, đây được xem là “đòn bẩy” để bảo tồn và phát triển.

 

Huỳnh Hải