Rừng ngập mặn ĐBSCL đang bị đe dọa trước biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá, diện tích rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL đang có xu hướng giảm, nếu không có các biện pháp quản lý, bảo vệ kịp thời sẽ không đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững.
Thông tin trên được lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho biết tại “Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL” tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng từ ngày 5- 7/11.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hệ sinh thái rừng ven biển vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường, cung cấp sản phẩm gỗ, cung cấp nơi sinh sống và sản xuất cho người dân vùng biển nhưng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự phát triển kinh tế không bền vững và tác động của biến đổi khí hậu.
Hàng năm, xói lở bờ biển ở trong vùng đã xảy ra với tốc độ lên tới trên 40m. Hiện nay, hệ thống đê biển, đê cửa sông đang đứng trước những mối đe dọa của thiên tai. Một trong những giải pháp bảo vệ đê điều là xây dựng các đai rừng ven biển nhằm chắn sóng, hạn chế sức công phá của sóng đối với thân đê.
Tuy nhiên, hiện các đai rừng ngập mặn ven biển chưa đảm bảo diện tích và chất lượng để bảo vệ hệ thống đê biển, phòng chống thiên tai; tình trạng phá rừng ngập mặn canh tác nuôi trồng thủy sản, khai thác lâm sản và sử dụng đất vào mục đích khác có xu hướng ngày càng tăng đang làm suy yếu diện tích và chất lượng rừng ngập mặn.
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp ven biển là hơn 119.600ha, trong đó đất có rừng trên 91.300 ha và rừng phòng hộ chiếm hơn 50%. Diện tích rừng ngập mặn ven biển đang có xu hướng giảm, nếu không có các biện pháp quản lý, bảo vệ kịp thời sẽ không đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế bền vững.
Qua khảo sát cho thấy, diện tích rừng ngập mặn phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở tỉnh Cà Mau (71,6%), còn lại 28,4% phân bổ rải rác dọc theo ven biển trên địa bàn một số tỉnh khác. Hiện trạng rừng ngập mặn ĐBSCL manh mún, không liền vùng mà phân bổ rải rác, chia cắt là do người dân sinh sống, các khu tái định cư và nuôi trồng thủy sản xen kẽ trong rừng ngập mặn.
Theo thống kê từ năm 2000- 2013, tổng diện tích rừng trồng bị thiệt hại là 11.758 ha. “Tình trạng xói lở bờ biển và lan truyền của nước mặn vào sâu trong nội đồng, lựa chọn cây trồng không phù hợp với lập địa, vốn đầu tư thấp, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm rừng để nuôi thủy sản đã tác động xấu đến diện tích rừng ngập mặn ven biển”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, những hoạt động sinh kế không bền vững của người dân sống ven vùng biển cũng ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích rừng ngập mặn. Theo thống kê, tổng dân số các xã vùng ven biển khoảng 898.510 người, gồm 179. 546 hộ, chiếm khoảng 5% tổng số dân của toàn vùng ĐBSCL. Trong khi đó, diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 2% diện tích đất tự nhiên. Đa số dân cư ở đây là các hộ nghèo, đời sống hàng ngày phụ thuộc vào việc kiếm sống ở vùng đất ngập mặn. “Ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của một bộ pận dân cư còn thấp nên đã xảy ra hiện tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm, khai thác lâm đặc sản đã gây thiệt hại, làm cho một số khu rừng ngập mặn bị đảo lộn”, đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp cho hay.
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp nhìn nhận, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp của thiên tai và mực nước biển dâng, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển nhằm chống xói lở, bảo vệ đê biển là hết sức cần thiết.
Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển phải đảm bảo ổn định lâu dài. Cần có những cơ chế chính sách hợp lý cho những người tham gia bảo vệ rừng cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về tầm quan trọng của rừng ngập mặn.
Huỳnh Hải