Ra đi để mang về

Theo lời mời của tập đoàn Bayer và Ủy ban Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc, hai đại sứ môi trường Bayer, Nguyễn Thị Thanh Thảo (sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) và Nguyễn Tuấn Cường (sinh viên ĐH Ngoại Thương - TPHCM) đã có chuyến du khảo sinh thái vô cùng thú vị tại thành phố Leverkusen (Đức).

Những bất ngờ “màu xanh”
 
Trong chuyến đi này cùng với 50 đại sứ môi trường Bayer khác đến từ 18 nước khắp 3 châu lục (Á, Mỹ & Phi), Thảo và Cường đã được nghe báo cáo về những dự án, thành tựu bảo vệ môi trường điển hình của thành phố Leverkusen (Đức) và những chương trình hành động dành cho giới trẻ của Ủy ban Môi trường Liên Hiệp Quốc. Ấn tượng nhất với Thảo và Cường là khi được nghe giới thiệu và tham quan dự án cải tạo dòng sông Emscher của Đức. Dự án kéo dài trong vòng 13 năm (kể từ năm 1992 - 2015) nhằm trả lại cho dòng sông (trước đây vốn bị sử dụng như một kênh thải lộ thiên với vô vàn chất độc trong dòng chảy) vẻ đẹp và sự trong lành vốn có của nó từ hơn 300 năm trước.
 
Ra đi để mang về - 1
Thanh Thảo và Tuấn Cường giao lưu với Ông Roland Keiper – Tổng giám đốc phụ trách truyền thông doanh nghiệp tập đoàn Bayer
 
Leverkusen là một thành phố công nghiệp với vô số nhà máy nằm dọc hai bờ sông Emscher chảy qua thành phố. Vậy mà, dòng nước ở đây vẫn xanh biếc và rất thơ mộng. Thảo và Cường đã được xuôi thuyền Max Pruss (một phần của dự án cải tạo sông Emscher) chạy dọc bờ sông để tự tay lấy mẫu nước và thực hành các kiểm nghiệm chất lượng. Ở Leverkusen, còn có vô số xe Lumbricus (loại xe tải nhỏ) chạy khắp thành phố để đo mức độ trong sạch của không khí và ngay lập tức gởi báo cáo đến cơ quan chức năng nếu phát hiện các sự cố về ô nhiễm không khí để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, cơ quan quản lý thành phố đã đầu tư hẳn một đội xe ‘giáo dục sinh thái’ - là những lớp học di động về môi trường và bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học trong thành phố. Trên xe, có đầy đủ giáo trình và các công cụ giáo dục trực quan, các thiết bị để học sinh làm những bài tập thực hành, nghiên cứu nhỏ về môi trường! Tham gia vào lớp học này, các em học sinh sẽ không phải trả một chi phí nào!
 
Trong suốt chuyến du khảo, các bạn còn được đi thực tế tại các cơ sở để kiểm nghiệm những gì nghe được. Thảo cho biết: “Tụi mình đã “chui” vào nhà máy xử lý rác, lò đốt rác ở trung tâm quản lý chất thải Burrig; phải chịu ‘tẩm’ mùi hôi suốt mấy tiếng đồng hồ để thấy được từng công đoạn trong quy trình xứ lý rác từ một đống bùi nhùi thành những kiện rác gọn gàng để mang đi tái chế. Ở Đức, tái chế rác không chỉ có ý nghĩa bảo vệ môi trường mà còn là ngành công nghiệp mang lại doanh thu lớn. Các công ty sản xuất, kinh doanh muốn hoạt động buộc phải ký hợp đồng với một đơn vị xử lý chất thải chuyên nghiệp.”.
 
Cường chia sẻ: “Người dân Đức sống thân thiện với môi trường. Việc bảo vệ môi trường như đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Mọi người thích đi xe đạp thay vì xe máy, kể cả người phát báo, giao sữa... Mọi người ý thức tận dụng những quãng đường ngắn để đi bộ để góp phần làm giảm lượng khói xe thải ra môi trường. Đến người say mèm cũng biết vứt rác và phân loại rác vào đúng chỗ quy định…”.
 
Hội tụ nhiệt huyết trẻ
 
Thảo và Cường cho biết, ngoài các bài giảng, các chuyến tham quan để hiểu được tầm nhìn và thực hành về phát triển kinh tế bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường tại đây, hai bạn còn có dịp giao lưu và học hỏi được nhiều bài học lớn từ các Đại sứ môi trường Bayer đến từ các nước. Đáng kể như bạn Claudia, đại sứ môi trường Bayer đến từ Vê-nê-zu-ê-la, đã xây dựng hẳn một quy trình khép kín để thu gom và tái sử dụng giấy và sách vở cũ tại các trường đại học của bạn liên tục từ 2 năm nay. Claudia thậm chí còn sản xuất ra những cuốn sổ tay từ giấy cũ mà bạn thu được để bán như một sản phẩm thương mại. Bạn Robinson, Đại sứ môi trường Bayer đến từ Chi Lê, thì chủ động tạm hoãn một năm đại học của mình để cùng các cộng sự phát triển một chương trình hướng dẫn tiết kiện điện và thiết bị đo lượng điện tiết kiệm được cho các hộ gia đình, nhằm khích lệ người dân tiết kiệm càng nhiều điện càng tốt.
 
Thảo chia sẻ: “Những trải nghiệm mắt thấy tai nghe trong chuyến đi đã góp phần làm giàu tri thức và kinh nghiệm về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của tụi mình. Tụi mình đã làm quen và giữ liên lạc với các bạn đại sứ các nước để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau cũng như trao đổi các dự án để thực hiện tại địa phương mình. Trước mắt, các bạn đại sứ đến từ Phillipines lên kế hoạch triển khai dự án Bài tập toán xanh của mình tại đất nước của các bạn ấy! Chuyến đi quả là một kỷ niệm thú vị và cơ hội để xây dựng thêm các mối quan hệ bè bạn quốc tế cho công việc bảo vệ môi trường của tụi mình sau này.”.
 
Mang vinh quang về
 
Ra đi để mang về - 2
Thanh Thảo cùng 3 bạn đại sứ đoạt giải “Nhà lãnh đạo môi trường Bayer trẻ tuổi”- Đến từ Ấn Độ, Phi-lip-pin và Brazil.
 
Tham gia chuyến du khảo sinh thái lần này, với dự án Bài tập toán xanh, Thảo đã đại diện cho câu lạc bộ Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam tham gia tranh tài cùng với 17 đại sứ đại diện cho các nước khác và đã mang vinh quang về cho đất nước với giải thưởng “Nhà lãnh đạo môi trường Bayer trẻ tuổi”. Giải thưởng bao gồm giấy chứng nhận, kỷ niệm chương và 1.000 Euro để hỗ trợ cho việc thực hiện mở rộng dự án Bài tập toán xanh trong năm 2011. Thảo chia sẻ: “Đạt được giải thưởng cao là một thành tích bất ngờ mà mình đã không lường trước được. Vì trong 17 dự án dự thi còn lại, có những dự án rất quy mô, cầu kỳ và chỉn chu. Ban Giám khảo là những chuyên gia môi trường của tập đoàn Bayer, của Ủy ban Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc và nhà báo quốc tế, lại là những giám thị khó tính luôn “truy cùng đuổi tận” bất cứ lời nào của thí sinh. Do đó, vào đêm Gala Dinner, mình đã hoàn toàn bất ngờ khi nghe tên mình cùng Việt Nam được xướng lên với giải thưởng giữa những bạn bè quốc tế. Đó là một cảm xúc rất tuyệt vời!”.
 
Chuyến đi một tuần ở Leverkusen không quá dài, nhưng là trải nghiệm đáng nhớ của hai Đại sứ môi trường Bayer Thanh Thảo và Tuấn Cường. Những khảo sát thực tế về môi trường, những bài học từ bạn bè thế giới, và cả nỗ lực vì môi trường của Thanh Thảođược thế giới ghi nhận… sẽ là nguồn động viên rất lớn của không chỉ dành cho các bạn Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam mà cả thế hệ trẻ Việt. Nó giúp các bạn thấy được tính cấp bách trong việc chung tay bảo vệ môi trường chính là sứ mệnh của thế hệ trẻ ngày nay Vì một thế giới xanh bền vững.
 
P.V
 

Đại sứ môi trường Bayer (BYEE) là chương trình hoạt động xã hội của tập đoàn Bayer (Đức) tổ chức hằng năm với sự hợp tác của Ban Môi trường thuộc Liên hiệp quốc (UNEP). Tại Việt Nam, chương trình Đại sứ môi trường Bayer bắt đầu từ năm 2006, được sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Đào tạo, Trung Ương Đoàn TNCS HCM, Chi cục Bảo vệ Môi trường Tp. Hồ Chí Minh (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Tp. Hồ Chí Minh). Qua 5 năm, chương trình Đại sứ môi trường Bayer đã tuyển chọn được 80 bạn trẻ khắp cả nước. Trong năm 2010 lần đầu tiên cuộc thi được đổi từ dạng bài luận sang dạng viết dự án về sáng kiến, giải pháp và kế hoạch hành động để cùng xã hội khắc phục một vấn nạn về môi trường ngay tại nơi các bạn sinh sống. Trong năm lần tuyển chọn và tham gia diễn đàn môi trường tại Leverkusen (Đức) kể từ năm 2006, lần đầu tiên đại sứ môi trường Bayer Việt Nam được vinh danh. Trong chuyến đi này Thanh Thảo xuất sắc hoàn thành bài thuyết trình của mình và vượt qua 50 thí sinh đến từ 18 nước khác nhau cùng với thí sinh đại diện từ Ấn Độ, Brazil, Philipin vinh danh nhận giải “ Nhà lãnh đạo môi trường Bayer trẻ tuổi”.