Quá nhiều nông dân tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật

(Dân trí) - Hiện nay có quá nhiều người nông dân tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), do vậy việc quản lý sử dụng thuốc BVTV gặp rất nhiều khó khăn. Dịch vụ trọn gói điều tra sâu bệnh, cung cấp thuốc và phun thuốc thuê còn rất thấp, chỉ chiếm 2,6%.

Theo kết quả điều tra năm 2014 của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), hiện có khoảng 600 tổ dịch vụ BVTV trong cả nước nhưng chủ yếu tập trung ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ BVTV hiện nay chủ yếu là dịch vụ phun thuốc thuê, chiếm trên 60%, trong khi đó dịch vụ trọn gói điều tra sâu bệnh, cung cấp thuốc và phun thuốc thuê còn rất thấp, chỉ chiếm 2,6%. Dịch vụ BVTV trên lúa là cao nhất, chiếm 48%, trong khi đó dịch vụ BVTV trên các cây trồng khác còn thấp, chỉ dao động từ 0,13% đến 5,3%.

Phát biểu tại Hội nghị công tác bảo vệ thực vật năm 2014 khai mạc sáng 29/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Trong khi nước ta đặt mục tiêu xuất khẩu trên 2 tỷ USD hồ tiêu năm 2015 thì nhiều đồn điền hồ tiêu trị giá vài tỷ đồng đang bị sâu bệnh nặng, gây thiệt hại về sản lượng. Điều đáng nói là khi có dịch bệnh, người nông dân chi rất nhiều tiền vào nhiều loại thuốc BVTV khác nhau, gây lãng phí và làm gia tăng chi phí sản xuất mà hiệu quả lại không như mong đợi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (bên trái) chủ trì hội nghị (Ảnh: N. An)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (bên trái) chủ trì hội nghị (Ảnh: N. An)

30% nông dân vi phạm về sử dụng thuốc BVTV

Trong năm 2014, Cục BVTV đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV của 13.912 hộ nông dân, và phát hiện số hộ vi phạm trên 4.167 hộ (chiếm 29,9%). Các vi phạm chủ yếu là không đảm bảo lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng, bao bì sau khi sử dụng vứt bừa bãi không đúng nơi quy định, sử dụng thuốc BVTV không đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, sử dụng thuốc không đúng thời điểm, không đúng quy cách, đổ thuốc thừa không đúng nơi quy định, sử dụng thuốc không đúng đối tượng cây trông, không đúng đối tượng phòng trừ, sử dụng thuốc ngoài danh mục.

Kết quả thanh tra, kiểm tra 48 cơ sở sản xuất thuốc BVTV cũng phát hiện 9 cơ sở vi phạm (chiếm 18,8%). Các vi phạm chủ yếu là sản xuất thuốc BVTV có nhãn không đúng nội dung quy định ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuốc BVTV, sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, người trực tiếp sản xuất thuốc chưa có giấy chứng nhận an toàn hóa chất theo quy định.

Nhiều nông dân không có bảo hộ lao động khi phun thuốc BVTV (Ảnh minh họa)
Nhiều nông dân không có bảo hộ lao động khi phun thuốc BVTV (Ảnh minh họa)

Cục BVTV cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 12.347 cơ sở buôn bán thuốc BVTV trên cả nước và phát hiện 1.704 cơ sở vi phạm quy định, chiếm 13,8%. Các vi phạm chủ yếu là không đủ điều kiện buôn bán, không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép kinh doanh, buôn bán thuốc ngoài danh mục, buôn bán thuốc vi phạm nhãn mác, buôn bán thuốc kém chất lượng, thuốc BVTV hết hạn sử dụng; cửa hàng và kho chứa thuốc không đúng quy định, bán thuốc BVTV chung với hàng hóa vật tư tiêu dùng khác; bán thuốc cấm, thuốc giả mạo về nhãn mác; buôn bán thuốc BVTV không đúng địa điểm kinh doanh.

Cục đã đình chỉ, dừng buôn bán thuôc BVTV đối với 8 cơ sở không đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV; phạt cảnh cáo, nhắc nhở 675 trường hợp phạt tiền 1.042 trường hợp.

Trao đổi với PV Dân trí bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV khẳng định: Dịch vụ BVTV là nhu cầu rất cần thiết của nông dân hiện nay, vì vậy Cục đã xây dựng đề án cho thử nghiệm 2 năm về dịch vụ BVTV và đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Hoạt động này nhằm đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động về dịch vụ BVTV.

Trong Luật Bảo vệ Thực vật đã có những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh thực vật và sắp tới sẽ có thêm các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích hoạt động dịch vụ BVTV nhằm giảm số lượng người tiếp xúc với thuốc BVTV và quản lý thuốc BVTV tốt hơn,” ông Hồng cho biết.

Ngoài ra, đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020 cũng sẽ giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.

Nguyên An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm