Quảng Nam:

Phục hồi rừng ngập mặn, chim cá tìm về sinh sống, làm tổ

(Dân trí) - Mùa mưa bão đã đến nhưng người dân thôn Đông Xuân, Đông An... của xã Tam Giang (huyện Núi Thành) rất yên tâm với cánh rừng ngập mặn đã được phục hồi và bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành lá chắn che chở cho dân làng mỗi mùa mưa bão về.

Đến thôn Đông Xuân, Đông An... của xã Tam Giang (huyện Núi Thành) ngay trước mùa mưa bão mới này, nhìn cánh rừng ngập mặn gồm đước, bần, mắm... đang được phục hồi với tôm cá và chim chóc kéo về thấy.... "vui con mắt, sướng cái bụng". Người dân nơi đây đang quyết tâm bảo vệ khu rừng ngập mặn đang được phục hồi này, vì theo họ bảo vệ khu rừng là bảo vệ cuộc sống của họ.

Khu rừng đước vừa được phục hồi đang được người dân chăm sóc, bảo vệ
Khu rừng đước vừa được phục hồi đang được người dân chăm sóc, bảo vệ

 

Gặp ông Nguyễn Ngọc Chính - một trong những người dân đứng ra trông coi khu rừng - dẫn chúng tôi dạo quanh khu rừng này. Ông cho biết, người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ khu rừng mới phục hồi này vì đó là bảo vệ làng xóm, bảo vệ nhà cửa của người dân sống bên trong khỏi bị ảnh hưởng bởi gió bão, sóng đánh...

Ông Phạm Văn Châu – Phó Chủ tịch xã Tam Giang (huyện Núi Thành) - cho hay năm 2014, 1ha diện tích đất ngập mặn được Trường ĐH Khoa học Huế hỗ trợ về cây giống. Với sự hỗ trợ này, người dân cùng nhau đứng ra trồng, chăm sóc và bảo vệ; hiện nay khu rừng trồng này đã bén rễ, phát triển tốt.

Khu rừng ngập mặn nguyên sinh còn sót lại. Khu rừng này bảo vệ cuộc sống của người dân trước bão và nước biển xâm thực
Khu rừng ngập mặn nguyên sinh còn sót lại. Khu rừng này bảo vệ cuộc sống của người dân trước bão và nước biển xâm thực

 

Đến đầu năm 2015 này, dự án ứng phó biến đổi khí hậu của huyện Núi Thành hỗ trợ trồng thêm trên 27ha cây đước, bần, mắm tại 4 thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ của xã và hiện này cây cũng phát triển rất tốt.

Theo Phó Chủ tịch xã Tam Giang, vùng này trước năm 1980 bạt ngàn rừng ngập mặn với các loại đặc trưng như đước, mắm, bần... Nhưng sau này, người dân phá đi để nuôi tôm. Tuy nhiên, sau thời con tôm thịnh vượng thì người nuôi cũng bị lỗ nặng do ô nhiễm môi trường, đất đai ven biển bị sóng xâm thực, mùa bão không thể cản gió được.

Ông Phạm Văn Châu – Phó Chủ tịch xã Tam Giang – cho hay, năm 2009, một khu rừng ngập mặn còn sót lại nhưng những cơn bão năm đó người dân và đất đai bên trong được bảo vệ an toàn. “Năm đó, nếu không nhờ một ít rừng đước, bần còn sót lại chắc đất đai, mồ mả và nhà của người dân bên trong sẽ bị san bằng”, Phạm Văn Châu cho hay.

Khu rừng ngập mặn nguyên sinh còn sót lại. Khu rừng này bảo vệ cuộc sống của người dân trước bão và nước biển xâm thực

 

Trước đây, người dân đua nhau phá rừng ngập mặn nuôi tôm với diện tích nuôi tôm toàn xã lên đến 170ha. Trong đó, gần 100ha rừng ngập mặn bị phá để nuôi. Tuy nhiên, đến nay diện tích giảm xuống còn 140ha nhưng người nuôi thua lỗ liên tục, con tôm không mang lại hiệu quả như lúc ban đầu, người dân bắt đầu bỏ ao, kiếm nghề khác mưu sinh.

“Người dân phá rừng nuôi tôm chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, họ không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Nay thì ai cũng nhận ra việc phá rừng tác hại như thế nào đến đời sống nên người dân đã thay đổi suy nghĩ”, Phó Chủ tịch xã Tam Giang nói.

 

Những cây đước hàng trăm năm tuổi đang được người dân bảo vệ rất tốt
Những cây đước hàng trăm năm tuổi đang được người dân bảo vệ rất tốt

 

Nhận thấy tác hại của việc phá rừng ngập mặn làm hồ nuôi tôm và để giữ lại một ít rừng ngập mặn còn sót lại trên địa bàn; tháng 8/2014, UBND xã Tam Giang đã quyết định ban hành quy chế cộng đồng quản lý và sử dụng rừng ngập mặn này.

Theo đó, đối tượng được áp dụng là các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân liên quan đến việc quản lý, phát triển và sử dụng rừng ngập mặn trên địa bàn xã, bao gồm cả diện tích rừng đã được giao cho cá nhân quản lý và diện tích rừng, đất rừng do UBND xã quản lý.

Quy định nêu rõ: Khai thác thủy hải sản không gây hại đến rừng ngập mặn như lưới cào, bắt ốc và hàu bằng tay... Chỉ được thực hiện ở những khu vực rừng ngập mặn có tuổi cây lớn hơn 5 năm. Chặt tỉa cây ngập mặn phục vụ công tác chăm sóc rừng có sự cho phép và được giám sát của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Clip Phó Chủ tịch xã Tam Giang – ông Phạm Văn Châu nói về tác dụng của rừng ngập mặn đối với cuộc sống người dân

 

Những hoạt động không được phép trong rừng ngập mặn gồm lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất rừng ngập mặn trái phép. Chặt phá, đào bới đất rừng ngập mặn để khai thác thủy sản hay làm ao nuôi thủy sản trái phép. Cấm thả gia súc, đổ các loại rác thải trong rừng ngập mặn...

Quy định này cũng khuyến khích người dân thu gom rác, làm vệ sinh tại các khu rừng ngập mặn trong địa bàn, tự giác trồng cây ngập mặn ở những diện tích còn trống, tham gia bảo vệ rừng tự nhiên và chăm sóc rừng trồng, phát hiện những vi phạm báo cho cho quan chức năng...

Để bảo vệ khu vực ngập mặn nguyên sinh và vừa phục hồi, UBND xã Tam Giang đã giao cho dân quản lý, chăm sóc. Ông Nguyễn Ngọc Chính - một trong những người dân quản lý rừng - cho hay, việc giao rừng ngập mặn này về cho dân quản lý rất hiệu quả vì bản thân người dân không làm trái với những quy định của xã. Bên cạnh đó, người dân giám sát được các hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến khu rừng.

Ông Chính nói: “Người dân ở đây ý thức rất tốt, không bao giờ phá rừng ngập mặn này vì họ ý thức được tầm quan trọng của nó. Chỉ có người dân địa phương khác đến không biết, thường vào bắt tôm cua ở khu vực không được phép, phá cây rừng mới trồng thì được nhắt nhở, mời đi nơi khác”.

Ông Chính cũng cho biết, sau khi một số diện tích rừng ngập mặn được phục hồi, tôm, cua bắt đầu tìm về trú ngụ và sinh sôi nảy nở. Chim chóc cũng kéo về tìm mồi, làm tổ. Nhận thấy được điều này nên người dân càng ra sức bảo vệ khu rừng này.

Theo Phó Chủ tịch xã Tam Giang – ông Phạm Văn Châu – cho biết hiện nay, trên địa bàn xã còn khoảng 50ha diện tích rừng ngập mặn ngoài diện tích hồ nuôi tôm cần hỗ trợ cây trồng. Tuy nhiên, do kinh phí lên đến 3,2 tỉ đồng nên địa phương chờ cấp trên phân bổ hoặc kêu gọi tài trợ để người dân Tam Giang phủ xanh hết các vùng đất ngập mặn bị phá trước đây. Vừa phục hồi sinh thái, vừa bảo vệ cuộc sống của người dân.

Công Bính