Thừa Thiên - Huế:
Những con trai "bạc triệu" điêu đứng vì nguồn nước ô nhiễm
(Dân trí) - Là vùng nuôi trai duy nhất tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, có chất lượng nước phù hợp để con trai sản sinh ra loại ngọc rất đẹp, nhưng từ đầu năm 2012, xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) đã mất hàng triệu con trai do nguồn nước ô nhiễm.
Anh Nguyễn Xuân Cương, Giám đốc Cty Ngọc Việt, buồn bã cho biết tính đến tháng 3/2012 công ty đã bị chết 1 triệu con trai, số còn lại rất ít, chưa tới 10.000 con. Anh Cương cho biết đã từng bỏ ra hơn 500 triệu thuê máy về nạo vét cửa Tư Dung bị bồi lấp nhưng được vài tuần cửa biển lại tiếp tục bị bồi với mật độ cát dày đặc hơn trước. Tính toán chi li, với khoảng 1 triệu con trai chết không cho thu hoạch, anh Cương sẽ lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài con trai, người nuôi trồng thủy sản nơi đây cho biết cá mú, cá hồng, hàu cũng chết và nổi ghẻ, đỉa bám đầy người, chậm sinh sản. Ghẹ đánh từ biển đưa vào nuôi ở đầm này cũng chết. Ốc hương cũng từ lâu nuôi không được. Những căn bệnh này không có khi nước có độ mặn cao. Tính ra lượng hải sản nuôi bị thiệt hại trên 50%.
Ông Phan Thế Phúng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết, độ mặn của đầm Hải Phú đã giảm với tỷ lệ từ 30/1.000 xuống còn 0/1.000. Nguyên nhân chính là do bồi lấp cửa biển và do các hồ tôm xả nước thải bừa bãi.
Trước hiện trạng trên, những ngày đầu tháng 3, đoàn kiểm tra do ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã về tại xã Lộc Bình, ghi nhận phản ánh của bà con và Cty Ngọc Việt. Để giải quyết các vấn đề bức xúc cho vùng nuôi, ông Lưu đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và địa phương rà soát lại việc tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản trong vùng; đồng thời có giải pháp xử lý môi trường tốt và giảm thiểu tác hại của chất thải từ nuôi tôm đối với môi trường. Quan trọng nhất là nghiên cứu các giải pháp tối ưu thích để khắc phục tình trạng ngọt hóa vùng nuôi trai lấy ngọc - mô hình hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cũng như về xã hội.
Đại Dương