Nhiều nhà khoa học lo ngại về sinh vật biến đổi gen

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT sẽ trồng thí điểm một số giống cây trồng biến đổi gen. Tuy nhiên, vấn đề phát triển sinh vật biến đổi gen và quản lý an toàn sinh học sẽ được quản lý chặt chẽ theo lộ trình.

Tại Hội nghị quốc gia về sinh vật biến đổi gen và quản lý an toàn sinh học, tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội, Ths. Phùng Văn Vui, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Bộ TN&MT khẳng định:  Công nghệ sinh học, trong đó có phát triển sinh vật biến đổi gen được Chính phủ xác định là một trong bốn mũi nhọn cần được ưu tiên nhằm phục vụ công cuộc phát triển của đất nước.

Nhiều nhà khoa học lo ngại về sinh vật biến đổi gen - 1
Cây ngô biến đổi gen cho năng suất rất cao.
 
Báo của các chuyên gia đã làm rõ thực tế về tình hình nghiên cứu, quản lý, thương mại hóa sản phẩm vật biến đổi gen; những thành tựu nghiên cứu, phát triển và thách thức đối với cây trồng biến đổi gen; nghiên cứu động vật biến đổi gen cũng như những vấn đề về án toàn sinh học đối với thực phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen...

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Bộ này đã xin phép Chính phủ cho tiến hành trồng thí điểm một số cây trồng (vốn đạt năng suất) biến đổi gen như: bông, đỗ tương, ngô. Kết quả sẽ được báo cáo lên Chính phủ, nhằm quyết định có nên triển khai trồng rộng rãi những giống cây trồng này hay không.

Trước thông tin này, một số nhà khoa học đã bày tỏ những lo ngại, bởi  vấn đề phát triển công nghệ sinh học trong đó có việc phát triển sinh vật biến đổi gen vốn nhạy cảm và hiện vẫn gây nhiều tranh cãi (cộng đồng châu Âu và một số nước châu Á phản đối vấn đề này). Trong khi đó, Việt Nam hiện đang là quốc gia có lượng xuất khẩu nông sản rất lớn, đặc biệt là gạo (dự báo trong năm 2009 sẽ xuất khoảng 6 triệu tấn). Nếu không chuẩn bị hành lang pháp lý kỹ càng trong quản lý an toàn sinh học, chúng ta có thể “mắc bẫy” thương mại, ảnh hưởng đến thương hiệu xuất khẩu.

Tuy nhiên, Ths. Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Bộ TN-MT cho biết, Bộ này đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Dự kiến, sẽ được trình Chính phủ vào tháng 10 tới. Hiện nay, sinh vật biến đổi gen mới chỉ tiến hành thử nghiệm trên trên quy mô khoa học. Hơn thế, nông sản xuất đi từ Việt Nam đều đã thực hiện mọi quy định về kiểm tra an toàn sinh học (trong đó có chứng nhận không phải là sản phẩm biến đổi gen). Vì vậy, vấn đề này hoàn toàn không ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Ông Bình cũng thừa nhận, hiện Việt Nam vẫn đang đối mặt với thách thức trong quản lý an toàn sinh học, đó là: Hạn chế về hệ thống chính sách và pháp lý, nguồn nhân lực, hệ thống quản lý giám sát, đầu tư và đặc biệt là nhận thức về an toàn sinh học trong cộng đồng còn hạn chế...

Thanh Trầm