Ngân hàng bàn về chuyện xây đập trên lưu vực Mê Công

(Dân trí) - Các ngân hàng hàng đầu của Mỹ, Châu Âu và Châu Á sẽ cùng nhau tập trung bàn về các rủi ro về tài chính, xã hội và môi trường cũng như trách nhiệm đối với phát triển thủy điện trên hạ lưu sông Mê Công.

WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) cho biết, ngày 24/9, tại Bangkok (Thái Lan), các ngân hàng hàng đầu của Mỹ, Châu Âu và Châu Á sẽ cùng nhau gặp gỡ tại một hội thảo ở Bangkok (Thái Lan) do WWF cùng với các cơ quan phát triển khác đồng tổ chức.
 
Cuộc họp sẽ tập trung bàn về các rủi ro về tài chính, xã hội và môi trường cũng như trách nhiệm đối với phát triển thủy điện trên hạ lưu sông Mê Công. Cùng đó, đề ra cách thức để tìm hiểu và giảm bớt những rủi ro này.
 
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hiện có 11 đập thủy điện được đề xuất xây dựng trên hạ lưu sông Mê Công, đoạn chảy qua Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Nếu chỉ một trong số những con đập này được xây dựng, nó sẽ phá vỡ sự kết nối hệ sinh thái của sông Mê Công và dẫn đến môt loạt các tác động tiêu cực.
 
Ông Micahel Simon, Giám đốc Chương trình Môi trường và Con người của tổ chức Oxfam Úc cho biết “Mỗi một con đập được xây dựng trên hạ lưu sông Mê Công sẽ ngăn chăn đàn cá di cư tới khu vực sinh sản, do đó làm suy giảm nguồn cá tại đây”.
 
Theo ước tính sơ bộ, sản lượng đánh bắt cá hàng năm tại lưu vực sông Mê Công - có giá trị tương đương 7 tỉ USD - sẽ bị giảm xuống còn 70% bởi các con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của hạ lưu sông Mê Công. Ngoài ra, các loài cá biểu trưng như cá Tra dầu và cá heo Mê Công sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
 
Tại miền Nam nước Lào, Bộ Điện lực cùng một công ty bán sở hữu nhà nước của Pháp (Compagnie Nationale du Rhone) đang lên kế hoạch cho sự thay thế tương tự. Dự án Thakho được đề xuất xây tại thác Khon Phapeng, nằm ngay gần sông Mê Công và là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Lào. Theo thiết kế, nước từ dòng chảy chính của sông sẽ được dẫn vào đập bằng tuốc-bin qua một con kênh đào, sau đó sẽ được dẫn ra dòng chảy bên dưới của sông.
 
Dự án không có đập, đồng nghĩa với việc không phá hủy sự kết nối sinh thái, cho phép phù sa lưu thông theo dòng chảy và cá vẫn di cư được lên thượng nguồn. Đó cũng là một mô hình cho phát triển du lịch bền vững.
 
Ông Jérôme Bertrand-Hardy, Phó Ban đầu tư của công ty Proparco cho rằng: “Các ngân hàng đang phải chịu trách nhiệm với người dân và các bên liên quan về những quyết định liên quan đến tài chính. Đầu tư vào các dự án không bền vững sẽ gây hại cho uy tín cũng như nguồn vốn của công ty”.
 
Phía WWF bày tỏ quan điểm ủng hỗ việc hoãn phê duyệt xây dựng đập trên dòng chảy chính của sông Mê Công trong vòng 10 năm cho đến khi những tác động của việc xây dựng và vận hành chúng được nghiên cứu thấu đáo. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu điện năng, các quốc gia trong vùng có thể xây dựng nhà máy thủy điện trên các phụ lưu của sông Mê Công.
 
P. Thanh