Đồng Tháp:

Nạn cát tặc mối thảm họa khôn lường

(Dân trí)- Nạn khái thác cát bừa bãi đang từng ngày "ăn" rỗng bờ sông Tiền, đoạn 2 xã Long Thuận và Long Khánh A, huyện Hồng Ngự Báo. Rất nhiều hộ dân đã phải lên tiếng kêu cứu vì trạng sạt lở khiến nhiều gia đình khốn đốn vì mất nhà, mất đất.

Theo đơn trình bày của người dân, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã "tái" cấp phép khai thác cát. Từ đó, cả DN được cấp phép cũng như nhiều đội “cát tặc” hoành hành suốt ngày đêm. Người dân ai cũng lo lắng khi nhìn cảnh “đào khoét” lòng sông dẫn đến nguy cơ sạt lở.
 Một phương tiện đang đục khoét bờ sông Tiền đoạn qua huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)
 Một phương tiện đang đục khoét bờ sông Tiền đoạn qua huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)
 
Huyện Hồng Ngự, là địa bàn đầu nguồn dẫn cát từ dòng Mekong đổ vào sông Tiền. Chất lượng cát ở xã Thường Phước xưa nay được giới buôn bán vật liệu xây dựng đánh có giá cao. Đây cũng là nơi đang phải đối mặt với vấn nạn sạt lở kinh hoàng.
 
Xã Thường Phước có 3km sông Tiền chảy qua địa bàn, hiện có tới 7 điểm sạt lở (trong đó có 4 điểm báo động nghiêm trọng). Vụ sạt lở ngày 16/10/2012, tại ấp 1, nhấn chìm 4 căn nhà của người dân. UBND xã xác định, trên vành đai sạt lở này còn có khoảng 500 hộ dân cần phải di dời nhưng chưa biết phải di dân đi đâu.
 
Huyện Hồng Ngự - nơi tiếp giáp biên giới Campuchia, có hơn 30km sông Tiền chạy qua, có tổng trữ lượng cát lên tới 58.566.474m3 trong đó cát xây dựng có trên 15.023.538m3.

Nhưng không chỉ ở huyện Hồng Ngự mà nhiều địa bàn ở tỉnh Đồng Tháp – nơi có 107km sông tiền chảy qua từ biên giới Tây Nam đến giáp tỉnh Vĩnh Long xuôi vào sông Hậu. Địa bàn này có trữ lượng cát xây dựng nhiều nhất vùng ĐBSCL, với tổng trữ lượng cát lên tới 191.831.924m3, trong đó tổng trữ lượng khai thác (đến năm 2020) là 56.558.351m3 cát xây dựng. Tuy nhiên, thực tế lượng cát đã bị giới khai khoáng móc từ lòng sông đi thì đến nay khó ai trả lời được.

Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Tháp chỉ cấp 12 giấy phép khai thác cát sông và 3 giấy phép tận thu, nạo vét với khoảng 60 phương tiện khai thác. Nhưng thực tế chỉ riêng 30km sông Tiền địa bàn huyện Hồng Ngự có lúc tập trung tới trên 100 phương tiện hoạt động. Hàng đàn xáng cạp, sà lan, ghe thuyền từ khắp nơi đổ về cạp, hút, vận chuyển suốt ngày đêm, không màng tới sự an nguy về cho tài sản, tính mạng của người dân.
Mới đây, một làng nuôi cá bè ở Vĩnh Long bị nhấn chìm do khai thac cat dan den sat lỡ.
Mới đây, một làng nuôi cá bè ở Vĩnh Long bị nhấn chìm do khai thac cat dan den sat lỡ.
 
Một tài công của Công ty xây lắp và kinh doanh VLXD ở Đồng Tháp nói: "Địa bàn cho phép khai thác đã bị cày xới nhừ tử, chỉ ở những khu vực cấm mới còn cát vàng hạt thô, mô đun lớn. Bởi vậy, cứ hở ra là các chủ mỏ và cả những phương tiện không được cấp phép lại lủi vào cận bờ để đục khoét, hòng tìm kiếm cát vàng, hạt thô mô đun lớn, bán có giá hơn".

Ông Lý Minh Hậu, nhà bên bờ sông Tiền cũng bức xúc trình bày, theo qui định, các phương tiện được cấp phép khai thác mỏ cát phải hoạt động cách bờ 150m trở ra. Nhưng hàng đêm, từ khoảng 20 giờ đến 5 giờ sáng, hàng chục tàu ghe, sà lan lớn nhỏ giăng hàng khoảng 2 cây số, cày xới. Chúng cứ đâm “vòi” vào hút sát bờ, có khi cách bờ chỉ 10m.

Tại đoạn sông này, Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Tháp đã khảo sát, phát hiện nhiều hố gần bờ có độ sâu trên 26m - gấp đôi độ sâu vốn có của lòng sông dẫn đến tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Khai thác cát bừa bãi là một trong những nguyên nhân mùa lũ năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, cuốn theo nhiều diện tích, nhà cửa, tài sản của người dân.Ở xã An Hiệp, nhiều người mất đất, mất hoa màu, mất nhà, mất tài sản, quá bức xúc nên “thủ” xăng trong chai để sẵn sàng tấn công “cát tặc” khi chúng vào gần bờ hút cát.

Một cán bộ ấp này sau 5 lần dời nhà vì sạt lở, hiện đang phải ở nhờ chỉ rõ nhiều "chiêu trò" của cát tặc. Theo đó, nhóm cát tặc đã cài cắm “ăng ten” để nắm tình hình, lợi dụng đêm khuya vắng người, bà con mất cảnh giác mới đưa phương tiện áp sát cù lao đục khoét vì phát hiện sát cù lao này có thân cát vàng, hạt thô, mô đun lớn, bán được giá cao.

Được biết ở ĐBSCL hiện có trên 11.000 hộ dân lâm vào nguy cơ mất nhà, mất đất vì nạn cát tặc. Trong khi đó bình quân 1 phương tiện sà lan khai thác cát trên sông Hậu có thể thu lợi từ 20 đến 30 triệu đồng/ngày; 1 sà lan gàu múc khai thác cát xây dựng trên sông Tiền (đoạn Đồng Tháp, An Giang) có thể trục lợi từ 50 – 70 triệu đồng/đêm. Với nguồn thu béo bở như thế, cát tặc dường như không nghe những lời kêu cứu thống thiết của người dân, hơn thế bọn chúng còn bất chấp cả pháp luật. 

                                                                                                      Phạm Tâm