“Lời giải” cho bài toán xử lý rác thải y tế
(Dân trí) - Xử lý triệt để các chất thải rắn trong y tế, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí… là những ưu điểm nổi bật của lò đốt rác thải y tế Chuwa do công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) cung cấp.
Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vài năm trước vốn là điểm nóng về vấn đề ô nhiễm rác thải y tế. Do sử dụng lò đốt và biện pháp chôn lấp thủ công khiến không ít lần bệnh viện vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhân dân quanh vùng. Chị Phạm Thị Lý, Tổ trưởng tổ Chống nhiễm khuẩn, kể lại: “Trước đây bệnh viện xử lý rác thải bằng phương pháp đặt thanh sắt lên trên, đổ dầu vào rác thải rồi tiến hành đốt. Mỗi lần đốt như thế là khói đen trời, khét lẹt… Dân kêu khiếp lắm. Đã thế, nhân viên xử lý rác thải như chúng tôi vất vả khôn cùng. Ngày nào cũng phải đào hố sâu 70-80 cm để chôn lấp bệnh phẩm. Thậm chí, không ít lần nhau thai còn bị chó đào bới lên…”. Rồi chị hồ hởi: “Nhưng từ khi có cái máy này công tác hộ lý nhàn hẳn, chị em chúng tôi phấn khởi lắm. Vừa đỡ được khoản đào bới chôn lấp, lại sạch sẽ vệ sinh”.
Theo chị Lý, hiện nay hai ngày bệnh viện thực hiện đốt rác thải một lần. Tất cả các chất thải độc hại như: bơm kim tiêm, bông gạc thấm máu, mô, nhau thai… đều được xử lý triệt để, vô khuẩn hoàn toàn.
Không giấu được vẻ phấn khởi, bác sĩ Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Bệnh viện cho hay: “Bệnh viện được lắp đặt lò đốt rác thải Chuwa từ tháng 5/2009 đến nay đều cho kết quả rất tốt. Sở TN&MT tỉnh Thái Bình đã tiến hành kiểm tra và chứng nhận phương pháp xử lý rác thải này an toàn tuyệt đối. Nhưng phấn khởi nhất là lò đốt không khói, không mùi, không độc hại, không ảnh hưởng đến nhân dân quanh vùng. Ngoài ra, nỗi lo về diện tích chôn lấp đã được giải quyết”.
Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng chỉ là một trong hơn 100 bệnh viện đã ứng dụng công nghệ xử lý rác thải y tế bằng lò đốt rác thải Chuwa. Ghi nhận của phóng viên, hầu hết các bệnh viện sử dụng công nghệ này như: Bệnh viện Phụ sản (Nam Định) Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng (Thái Bình), Bệnh viện Lao và Phổi (Nam Định)… đều rất hài lòng về kết quả sau sử dụng.
Vận hành lò đốt chất thải độc hại tại Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Nam Định (ảnh: Vũ Văn Tiến)
Cũng ứng dụng công nghệ xử lý rác thải y tế Chuwa, ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lộc (Hải Dương) đề xuất, công suất lò khá cao, với bệnh viện nhỏ tuyến huyện nên kết hợp với các phòng khám tư trong vấn đề xử lý rác thải. Điều này vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần vệ sinh cho cả khu vực.
Giới thiệu về đặc điểm công nghệ, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó tổng Giám đốc Công ty CP tiến bộ Quốc Tế (AIC) cho hay, lò đốt rác thải Chuwa có tên công nghệ là F1-S. F1-S là loại lò đốt nhiệt phân hai buồng công nghệ cao, đặt đứng, đã được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện của Nhật Bản và Đài Loan. Hiện có mặt tại nhiều bệnh viện trên 20 tỉnh thành của Việt Nam.
Lò có hai buồng đốt: sơ cấp và thứ cấp. Buồng sơ cấp thiết kế trên nguyên lý thổi gió bắt buộc, dùng nhiều oxy, hình thành luồng khí xoáy trong lò, duy trì lượng oxy lớn trong lò, chống phát sinh khói đen. Buồng thứ cấp có gắn thiết bị đốt buner giúp nhiệt độ duy trì trên 1.000oC đảm bảo tiêu hủy mầm bệnh và phân hủy chất dioxin.
Chính nhờ đặc điểm kỹ thuật này, F1-S đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận đạt các chỉ tiêu an toàn cho môi trường. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao những công nghệ xử lý rác thải, đảm bảo cho môi trường trong sạch”, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC, nói.