Bạc Liêu:

Khởi động dự án “Ấp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu”

(Dân trí) - Ngày 5/2, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng các đối tác tổ chức lễ khởi động “Ấp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu” tại huyện Vĩnh Lợi.

Đây là dự án mà tỉnh Bạc Liêu tham gia hợp tác với Viện lúa quốc tế (IRRI), Trường ĐH Cần Thơ và Chương trình nghiên cứu Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực Đông Nam Á (CCAFS-SEA) thực hiện.

Dự án “Ấp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu” được thực hiện tại ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Dự án thực hiện nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng thích ứng của người dân với biến đổi khí hậu (BĐKH), xây dựng khả năng phục hồi đối với ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đồng thời cải thiện thu nhập cho nông dân.

Ông Trịnh Hoài Thanh- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn có giá trị sản xuất chiếm khoảng 48% GDP, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc sản xuất của ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn như thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, nước mặn xâm nhập sâu vào vùng ngọt hóa, mưa trái mùa, hạn cục bộ…, điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp của Bạc Liêu đang chịu tác động trực tiếp và nghiêm trọng của BĐKH.

“Chúng tôi hy vọng với sự giúp đỡ của các chuyên gia, sự tận tâm hợp tác của chính quyền địa phương và tham gia sản xuất nhiệt tình, áp dụng tốt các công nghệ, kỹ thuật được chuyển giao từ chương trình sẽ đưa ấp Trà Hất nói riêng, Bạc Liêu nói chung trở thành một mô hình mẫu trong thực hiện các giải pháp ngay tại địa phương nhằm ứng phó với BĐKH”, ông Thanh nói.

Khởi động dự án “Ấp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu”
Sở NN&PTNT Bạc Liêu (bìa phải) cùng ký kết triển khai mô hình "Ấp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu".

Phát biểu tại buổi lễ, theo ông Leocadio Sebastian- Giám đốc CCAFS- SEA cho biết, vai trò của vùng ĐBSCL rất quan trọng với Việt Nam nhưng thật không may bởi ĐBSCL được dự đoán là một trong những vùng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH như mực nước biển dâng, nhiệt độ tăng, mưa bất thường…, và cư dân địa phương là những người đầu tiên ứng phó với sự biến đổi này.

Ông Leo cho hay, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế coi ĐBSCL chính là mục tiêu trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực bởi đây là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, đặc biệt là vùng canh tác lúa. Phần lớn sản lượng lúa gạo xuất khẩu đều trồng tại ĐBSCL. Do đó, từ tháng 7/2014, các đối tác đã đi tìm để triển khai “Làng/Ấp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu” và ấp Trà Hất (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) được lựa chọn là điểm đầu tiên đại diện cho ĐBSCL.

Theo CCAFS-SEA, đối với nông dân, thông tin về thời tiết có vai trò rất quan trọng trong việc lên kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Với mô hình này, nông dân có thể tiếp cận với các thông tin thời tiết và các khuyến cáo khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, báo chí và các tin nhắn thoại tới điện thoại di động. Nông dân cũng có thể tham gia bảo hiểm nông nghiệp để chi trả rủi ro thiệt hại đối với cây trồng vật nuôi do sự thay đổi bất thường của thời tiết.

Bên cạnh đó, các biện pháp quản lý nước tưới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước là một trong những giải pháp ứng phó với BĐKH vô cùng quan trọng. Mô hình sẽ giúp người dân có thể sử dụng nước tưới “thông minh” như tận dụng nước ngầm, tích trữ nước mưa hay thành lập các đội công cộng quản lý và bảo vệ nguồn nước hiệu quả.

“Hy vọng sự kết hợp mô hình nông thôn mới và ấp ứng phó thông minh biến đổi khí hậu sẽ giúp bà con nông dân tăng tính bền vững trong sinh kế đối với BĐKH”, ông Leo nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ khởi động, đại diện các đối tác là CCAFS-SEA, Trường ĐH Cần Thơ và Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã ký kết hợp tác triển khai mô hình “Ấp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu” tại ấp Trà Hất.

Được biết, Việt Nam sẽ triển khai “Làng/Ấp ứng phó thông minh với BĐKH” ở 3 địa điểm là thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. 

                                                                                                Huỳnh Hải