Hơn 1.000 hồ chứa thủy lợi hư hỏng, thiếu khả năng xả lũ

(Dân trí) - Hiện cả nước đang có 1.150 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ… với các hiện tượng như thấm qua thân đập, xói lở mái đập, xói lở tràn xả lũ, hỏng cống lấy nước.

Hiện cả nước đang có 1.150 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp
Hiện cả nước đang có 1.150 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp.

Đó là thông tin tại tại Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chiều ngày 7/4. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 6.600 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3, trong đó có 560 hồ chứa lớn (dung tích hơn 3 triệu m3 hoặc đập cao hơn 15m); hơn 1750 hồ có dung tích 0,2 triệu m3 – 3 triệu m3, còn lại là hồ chứa dưới 0,2 triệu m3.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiện đa phần các hồ chứa thủy lợi nhỏ và vừa ở nước ta được xây dựng từ 30-40 năm trước nên đã không còn phù hợp với điều kiện “mưa lũ cực đoan” hiện nay. Mặt khác lực lượng quản lý, vận hành hồ còn mỏng, nhiều nơi không có đội ngũ đủ năng lực chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng… nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, hiện cả nước đang có 1.150 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ…

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh như Hòa Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi… nêu khó khăn trong công tác quản lý an toàn hồ đập hiện nay là Bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về thủy lợi cấp huyện, xã còn yếu và thiếu; công tác quản lý về kỹ thuật, quan trắc, kiểm định đập của hồ chứa không được các chủ hồ thực hiện nghiêm túc, nhất là các hồ nhỏ do xã quản lý; nhiều hồ chứa không có hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ thiết kế thất lạc; tính đến khả năng chịu động đất của các hồ chứa nếu xảy ra động đất ở cấp độ mạnh…

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã ghi nhận ý kiến của các địa phương, đồng thời cho rằng các các địa phương cần phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý Nhà nước về an toàn hồ đập. Cụ thể là trách nhiệm của Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai TKCN các tỉnh…

Thứ trưởng Thắng lưu ý việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng cần phải được đánh giá lại. Củng cố, rà soát lại lực lượng quản lý hồ chứa, hồ nào khâu quản lý còn bất cập và có giải pháp quản lý tốt hơn để tránh tình trạng như một số hồ chứa từng “vô chủ” ở Tây Nguyên. Theo Thứ trưởng Thắng, tương lai phải đưa ngành thủy lợi thoát khỏi cảnh bao cấp 100%, hướng đến việc chủ động, đảm bảo tài chính bền vững cho các hoạt động về an toàn đập.

“Nếu không có một cơ chế tài chính thì suốt ngày chúng ta phải lo đi xin. Hướng đến những hồ nhỏ cố gắng giao cho dân, huy động người dân và chúng ta tập trung vào các hồ đập lớn làm đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu về phòng chống, giảm nhẹ lũ lụt, cấp nước cho cộng đồng… Xu hướng là làm sao chuyển về khối tư mà Nhà nước hỗ trợ”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Viết Hảo