Đắk Lắk:

Hơn 10 nghìn héc ta rừng giao khoán bị xâm chiếm

(Dân trí) - Nạn chặt phá rừng, xâm chiếm đất rừng làm nương rẫy đã khiến hơn 10.000ha rừng được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư chăm sóc và bảo vệ bị xâm hại nghiêm trọng.

Từ năm 1999 đến năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ 178/2001/QĐ-TTg về  “Quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp” và quyết định 304/2005/QĐ-TTg về “Thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên”, tỉnh đã giao khoán 27.000ha rừng và 8.000ha đất rừng cho trên 5.000 hộ dân thuộc 13 huyện quản lý, bảo vệ.

 

Rừng bị đốn hạ không thương tiếc
Rừng bị đốn hạ không thương tiếc

 

Tuy nhiên việc quản lý không hiệu quả đã dẫn đến hơn 10.000ha đất rừng bị xâm chiếm, chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy. Những cánh rừng xanh nay đã đã bị đốn hạ, thay vào đó là hàng ngàn diện tích rừng trơ rọi và rẫy hoa màu đua nhau thay thế mọc lên.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk, hiện chỉ còn hơn 25.000 ha rừng được giao chưa bị xâm hại, còn lại 10.610ha đã bị phá và lấn chiếm. Tại 13 huyện được khoán rừng đều xảy ra tình trạng để mất rừng như: Krông Bông trên 6.000ha, Ea Súp hơn 2.000ha...

Thực hiện việc giao khoán rừng, UBND huyện Ea Súp cũng giao hơn 4.000 ha rừng cho các nhóm hộ của 4 xã: Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê, Ia T’mốt chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Trong quá trình nhận rừng giao khoán, các hộ dân đã để mất rừng nhiều và khó kiểm soát, điển hình như xã Ea Bung được giao hơn 1.700ha nay chỉ còn lại khoảng 500ha rừng, số còn lại đã bị xấm chiếm làm nương rẫy và nạn lâm tặc hoành hành. Thậm chí, do nhận thấy khả năng khó tiếp tục quản lý rừng nên tại xã Ea Lê đã trả lại cho huyện hơn 300ha rừng.

Ông Bùi Đức Hạnh - Chủ tịch UBND xã Ea Bung (huyện Ea Súp) cho rằng người dân được khoán rừng có áp lực rất lớn khi số lượng người đổ về khai thác rừng và xâm chiếm tăng lên, các đối tượng này rất hung hãn, côn đồ nên rất khó cho người dân có thể quản lý, bảo vệ được tốt.

 

Đốt rừng làm nương rẫy
Đốt rừng làm nương rẫy

 

Riêng tại huyện Buôn Đôn, trong tổng số hơn 1.000 ha rừng được giao khoán cho hộ dân thuộc 2 xã Ea Huar và Krông Na, nay hằng trăm héc ta cũng lâm vào tình trạng bị tàn phá và lấn chiếm nghiêm trọng chỉ còn sót lại một phần rừng thưa thớt.

“Vào năm 2008, xã Ea Huar được huyện giao cho 220 hộ với 440ha, hiện tại khoảng 80% rừng bị xâm chiếm chủ yếu để làm nương rẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do dân nghèo, khó khăn nên không quản lý được, xã đang rà soát các đối tượng xâm chiếm để lập danh sách lên để xử lý, đồng thời sẽ thu hồi lại số đất bị lấn chiếm”, ông Nguyễn Khắc Hùng – Chủ tịch xã Ea Huar nhấn mạnh.

 

Hàng ngàn héc ta hoa màu đua nhau mọc lên trên đất rừng
Hàng ngàn héc ta hoa màu đua nhau mọc lên trên đất rừng

 

Bên cạnh đó, đa phần rừng được giao khoán nằm cách xa khu dân cư nên việc người dân tuần tra thường xuyên rất khó khăn, kèm theo đường sá đi lại vô cùng khó khăn và việc gặp phải các đối tượng phá rừng hung hãn sẵn sàng đáp trả nếu bị phản đối đã khiến diện tích rừng được giao khoán ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động.

Ông Trang Quang Thành – Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - cho biết: “Hiện tại rừng được giao khoán đã gần hết do nhiều nguyên nhân như đời sống của người dân khó khăn, chính sách hỗ trợ và chi trả cho người giữ rừng ít. Sở đã có đề xuất với Bộ NN&PTNT thu hồi lại số rừng đã giao khoán để có hướng xử lý”.

Thúy Diễm