Hóa chất bảo vệ thực vật: Khó quản lý và lưu trữ

Hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) cả tồn lưu và nhập mới đang gây ra những tác động bất lợi cho môi trường và con người Việt Nam. Thế nhưng, việc lưu trữ và quản lý chúng hiện đang gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trên thị trường có khoảng 22.000 cửa hàng buôn bán hóa chất BVTV, trung bình mỗi tỉnh có 400 - 500 cửa hàng được rải đều ở các xã, phường. Tuy nhiên, mới chỉ có 80% cá nhân buôn bán hóa chất BVTV được cấp chứng chỉ hành nghề, 20% còn lại không có chứng chỉ, chủ yếu tập trung ở các cửa hàng nhỏ, lẻ, vùng sâu, vùng xa.
 
Hóa chất BVTV không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai tại các phiên chợ vùng Biên giới.
Hóa chất BVTV không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai tại các phiên chợ vùng Biên giới.

Tình trạng thông tin, quảng cáo, ghi nhãn hóa chất BVTV sai quy định vẫn tồn tại. Việc tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất BVTV, bảo hộ an toàn lao động của nông dân khi phun rải hóa chất BVTV chưa được thực hiện nghiêm ngặt; dư lượng hóa chất BVTV trong nông sản của một số mẫu kiểm tra vẫn còn vượt mức tối đa cho phép gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong khi đó, công tác kiểm tra hóa chất BVTV từ trước tới nay chỉ mang tính chiếu lệ, chưa chặt chẽ, nhất là ở các địa phương. Đây chính là lý do vì sao các cửa hàng bán lẻ hóa chất BVTV còn nhiều vi phạm về nhãn mác, các loại hóa chất cấm sử dụng, hóa chất BVTV ngoài danh mục, hóa chất BVTV giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng… vẫn được bày bán, sử dụng công khai.

Khó khăn trong khâu quản lý đã đành nhưng ngay cả với nguồn hóa chất BVTV đã được lưu trữ cũng đang khiến cho các đơn vị liên quan gặp rất nhiều trở ngại.

Theo Báo cáo Tổng kết Gói thầu 6 “Chuyên gia đánh giá hiện trạng các kho lưu chứa hóa chất bị bắt giữ tại biên giới” của Dự án xử lý hóa chất tồn lưu (POP), ngày 16/8/2012 cho thấy, tổng số các loại hoá phẩm nông nghiệp hiện được lưu trữ tại 39 tỉnh thành trong cả nước là hơn 37 nghìn tấn, trong đó có 53% được lưu trữ tại khu vực đồng bằng Mê Kông. Thế nhưng, có đến hơn 730.000 hoá phẩm trong số đó không có nhãn mác, bao gồm các chai lọ bằng nhựa, thuỷ tinh và kim loại. Những hoá phẩm này hiện đang được vứt bỏ không đúng cách hoặc vẫn được sử dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cung như sức khoẻ cộng đồng dân cư.

Hơn nữa, phần lớn các tỉnh/ thành phố đều chưa có kho chuyên dụng để lưu giữ các hàng hóa thu giữ có tính nguy hiểm như thuốc BVTV... mà chỉ có kho lưu giữ hàng hóa bị bắt giữ chung. Thuốc BVTV khi bị thu giữ sẽ để chung cùng các hàng hóa khác, gây lẫn lộn và không đảm bảo an toàn.
 
Hóa chất BVTV không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai tại các phiên chợ vùng Biên giới.
 Do không có kho lưu trữ, hóa chất BVTV bị bắt giữ được Chi cục BVTV Lào Cai gửi tại kho của Công ty Cổ phẩn vật tư nông nghiệp tỉnh Lào Cai.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Hương – Phó trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Chuyên gia đánh giá hiện trạng các kho lưu chứa hóa chất bị bắt giữ tại biên giới nhận định: Phần lớn các kho chứa đều được thiết kế để lưu giữ hàng hóa thông thường vì vậy, không phù hợp để lưu giữ hàng hóa nguy hiểm. Đa số các kho lưu trữ đều không đạt tiêu chuẩn về chống thấm nền, điều kiện chiếu sáng, thông gió, khoảng cách đến khu dân cư và nguồn nước. Số lượng và diện tích kho chứa cũng hạn chế, nhiều nơi còn không có kho lưu giữ phải đi mượn như tại Lào Cai hoặc tình trạng kho quá tải không còn sức chứa như kho Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn.

Cũng do chưa có văn bản quy định rõ trách nhiệm, cơ chế trong việc thu gom, bắt giữ và lưu giữ, xử lý thuốc BVTV tồn đọng, thuốc BVTV nhập lậu... dẫn đến tình trạng, nếu có bắt giữ thì không có nơi chứa, nếu có nơi chứa lại không có kinh phí xử lý, trông nom và bảo quản; không có nơi nào, đơn vị nào chịu trách nhiệm lưu giữ, cũng không có địa điểm để tiêu huỷ phù hợp…Cứ như vậy, tang vật cũ trong kho chưa được “xuất” để tiêu hủy thì tang vật mới lại “nhập” kho, dẫn đến tồn đọng.

Rõ ràng, việc có kho lưu trữ hóa chất BVTV đáp ứng được cả về chất và về lượng, nhằm kiểm soát mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sống đang là vấn đề nóng. Nhưng khó khăn hơn việc tiêu hủy số thuốc đang nằm trong kho, là thực trạng chưa thể kiểm soát, quản lý triệt để thuốc BVTV không rõ nguồn gốc. Nếu tình hình này không được cải thiện và xử lý triệt để thì vấn đề ô nhiễm thuốc BVTV cũng chưa biết khi nào mới có điểm dừng!

Vân Anh