Hiệu quả từ mô hình phát triển bền vững tại Ajinomoto Việt Nam

(Dân trí) - Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong sản xuất kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững cùng môi trường thông qua ba mục tiêu: Doanh nghiệp không phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh kinh doanh dựa trên chu trình sinh học.

Doanh nghiệp "Không phát thải"

Ajinomoto Việt Nam đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống Tháp giải nhiệt và Hệ thống xử lý nước thải tiên tiến nhằm bảo vệ và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.

Hệ thống Tháp giải nhiệt với hồ chứa nước riêng ra đời nhằm sử dùng tuần hoàn lượng nước từ các hồ chứa này để giải nhiệt cho hệ thống máy móc, giúp giảm lượng nước sông sử dụng đến 84,5% kêt từ khi đi vào hoạt động.

Hiệu quả từ mô hình phát triển bền vững tại Ajinomoto Việt Nam - Ảnh 1.

Hệ thống xử lý nước được đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng, có công suất xử lý 3.400 m3

Hệ thống xử lý nước thải tập trung được đầu tư xây dựng với nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng, áp dụng công nghệ xử lý Nitơ sinh học tiên tiến từ Nhật Bản với công suất xử lý 3.400m3 nước thải/ngày. Nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam QCVN 40:2011 và mục tiêu "Không phát thải" của Tập đoàn. Hoạt động xả thải luôn được kiểm soát nghiêm ngặt bằng Hệ thống Ghi nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động và báo cáo trực tuyến đến Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai, đảm bảo chỉ nước sau xử lý đạt các chỉ tiêu đề ra mới được đưa ra môi trường.

Về chất thải rắn, Công ty cũng triển khai chương trình "Không phát thải" bằng 3T (Tiết giảm, Tái chế và Tái sử dụng) nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm gánh nặng ô nhiễm môi trường. Kết quả triển khai hoạt động đến năm 2017, 99,97 % tổng lượng chất thải rắn đã được thu hồi tái chế.

Hiệu quả từ mô hình phát triển bền vững tại Ajinomoto Việt Nam - Ảnh 2.

Trấu ép – nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào được sử dụng làm nhiên liệu cho hệ thống lò hơi.

Với mục tiêu cắt giảm tối đa lượng khí thải, từ năm 2014, Ajinomoto Việt Nam đưa vào vận hành hệ thống Lò hơi sinh học. Lò hơi sử dụng trấu ép – nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào làm nhiên liệu để cung cấp hơi nước phục vụ cho sản xuất, góp phần tiêu thụ gần 100.000 tấn vỏ trấu/ năm (chiếm gần 1,6% tổng lượng vỏ trấu của Đồng bằng sông Cửu Long). Việc chuyển đổi từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang nhiêu liệu sinh học giúp giảm hơn 50% lượng khí thải CO2 độc hại ra môi trường.

Sử dụng năng lượng hiệu quả

Với chủ trương "Tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế chính là Bảo vệ môi trường!" các chương trình vận hành máy móc và công nghệ mới được công ty chú trọng nghiên cứu và đầu tư để giảm thiểu tối đa lượng điện năng tiêu thụ. Những nguồn năng lượng "xanh" như năng lượng mặt trời, năng lượng gió được tăng cường sử dụng.

Bên cạnh đó, ban chuyên trách cũng tiến hành kiểm toán năng lượng định kỳ để đánh giá thực trạng sử dụng và đề xuất giải pháp cải thiện hiệu quả sử dụng. Với những nỗ lực không ngừng, từ năm 2010 – 2017, 19% lượng điện năng tiêu thụ và 26% lượng hơi nước bão hòa đã được tiết giảm.

Kinh doanh hiệu quả bằng mô hình chu trình sinh học Bio-Cycle

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững, Ajinomoto Việt Nam áp dụng Chu trình sinh học khép kín trong quá trình sản xuất Bột ngọt AJI-NO-MOTO®. Theo đó, Công ty sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc nông nghiệp là tinh bột sắn (khoai mì) và mật mía đường để sản xuất bột ngọt.

Hiệu quả từ mô hình phát triển bền vững tại Ajinomoto Việt Nam - Ảnh 3.

Chu trình sinh học khép kín trong sản xuất bột ngọt Aji-no-moto.

Trong quá trình sản xuất, Công ty nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đồng hành bao gồm Phân bón sinh học dạng lỏng, Phân bón hữu cơ sinh học dạng rắn,… cung cấp nguồn dinh dưỡng trở lại cho đất, cải thiện năng suất và chất lượng vụ mùa, từ đó phát triển nguồn thực phẩm và đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững để tiếp tục phục vụ cho quy trình sản xuất của Công ty.

Với những nỗ lực và đóng góp vì môi trường, Công ty Ajinomoto Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng KINH TẾ XANH 2014 cho sự phát triển bền vững từ Bộ Tài nguyên và Môi trường và giải thưởng THƯƠNG HIỆU XANH vì công tác bảo vệ môi trường cho Sự phát triển bền vững từ Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vào năm 2008.

Lê Hà