TT-Huế:

Hàng trăm tấn rác thải tràn ngập nông thôn mỗi ngày

(Dân trí) - Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ II, HĐND tỉnh TT-Huế khóa VI ngày 11/8, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh đã trả lời giải trình nhiều chất vấn về các vấn đề môi trường “nóng” cần được giải quyết triệt để như: khai thác cát sạn trên sông, rác thải chất đống ở nông thôn.

Chính quyền tiếp tay cho “cát tặc”

Về vấn đề khai thác cát, sỏi lòng sông, ông Nguyễn Đình Đấu, GĐ Sở TN&MT tỉnh TT-Huế cho biết từ thủ công, “cát tặc” đã chuyển sang cơ giới vì nguồn lợi lớn, gây xói lở bờ sông ở nhiều đoạn. Tại Huế, hiện có 4 khu vực chính trên sông Hương, sông Bồ với số lượng thuyền khoảng trên 100 chiếc tập trung khai thác. Dù đã nhiều lần chấn chỉnh, xử lý nhưng “cát tặc” vẫn chưa thuyên giảm hẳn.

Đặc biệt có nguyên nhân do chính quyền xã sai như cho “cát tặc” thuê đất sai thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích, nhiều doanh nghiệp khai thác chưa đầy đủ thủ tục đất đai vẫn được xã, huyện “tiếp tay” cấp phép hoạt động bến bãi

Hàng trăm tấn rác thải tràn ngập nông thôn mỗi ngày - 1
Một bãi khai thác chui của “cát tặc” dưới chân nhà máy nước Vạn Niên mới đi vào hoạt động vào đầu năm 2011

Tuy nhiên, cái khó là do mỗi năm nhu cầu sử dụng cát, sỏi tăng từ 8-10%, trung bình hàng năm cần khoảng 1,3 triệu m3 cát và 300.000 m3 sạn nên tình hình khai thác ngày càng gia tăng. Người khai thác chủ yếu là dân vạn đò nghèo, nơi ở không ổn định nên việc quản lý, ngăn chặn “cát tặc” khó khăn. Đó là chưa nói đến nhân sự của Phòng Quản lý Tài nguyên Khoáng sản (Sở TN&MT) còn thiếu nhiều; khu quy hoạch cát đang giai đoạn hoàn chỉnh nên vẫn chưa cấp phép khai thác cho doanh nghiệp được...

Ông Phan Ngọc Thọ, PCT UBND tỉnh TT-Huế cho rằng tỉnh nên nghiên cứu đến giải pháp lâu dài là dùng công nghệ để chế biến đá thành cát xây dựng. Ở 2 đầu Nam, Bắc có một số công nghệ để xử lý cát từ bột đá. Tuy giá thành hơi cao nhưng chất lượng tốt trong các công trình bê tông lớn.

Ông Thọ cũng cho biết thêm cần nghiên cứu thêm cát nội đồng cũng có thể đưa vào làm cát xây dựng. Như một số hộ dân cư ở các vùng có cát nội đồng nhiều tại huyện Phong Điền, Phú Vang đã lấy cát này xây nhà cửa với chất lượng tốt.

Hàng trăm tấn rác không đươc thu gom kịp mỗi ngày

Theo số liệu mới nhất từ sở TN&MT tỉnh TT-Huế tổng hợp, mỗi ngày tại các khu vực nông thôn thuộc tỉnh TT-Huế có đến 150 tấn rác thải sinh hoạt từ dân nông thôn chưa được thu gom. Rác thải cứ dồn lại, chất đống ngày này qua ngày khác trở nên nỗi kinh hoàng với người dân nông thôn.

Lượng rác thải sinh hoạt nông thôn thu gom được hiện ước khoảng chỉ gần 30% tổng lượng rác thải khu vực. Toàn tỉnh chỉ có 30 xã có bãi rác trung chuyển và có hoạt động thu gom rác sinh hoạt, còn lại ở nhiều xã khác rác được “tự do” đổ ở nơi công cộng, ao hồ, ven bờ biển và khu vực đầm phá...

Hàng trăm tấn rác thải tràn ngập nông thôn mỗi ngày - 2

Một bãi rác lộ thiên tại huyện Phú Vang hơn 3 ngày mới được thu gom 1 lần, gây ô nhiễm cho dân cư xung quanh

Những đống rác này trở nên nơi trú ngụ của hàng vạn con ruồi, muỗi, vi khuẩn mang bệnh. Nhiều bãi rác lớn được người dân tự nguyện thu gom tập kết lại nhưng rồi không có biện pháp xử lý hay xe rác đến chậm gây ô nhiễm nặng nề.

Ngoài ra rác từ chợ với đủ loại cặn bẩn, phân và nước thải gia súc ngấm vào rác bẩn rồi rỉ nước ra thấm vào nguồn nước ngầm tạo các dịch bệnh cao trong dân.

Hiện tượng này do nguyên nhân do có quá ít bãi rác trung chuyển, hệ thống thu gom, xử lý rác thải nông thôn của tỉnh còn nhiều hạn chế. Quan trọng hơn là các xã, huyện chưa xây dựng đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, ý thức của dân chưa cao khi mọi người có thể vất rác bất cứ ở đâu.

Bên cạnh đó, Phí vệ sinh của tỉnh ban hành có nhiều bất cập khi chỉ mới đủ cho công tác thu gom, còn việc vận chuyển và xử lý rác thải không thể thực hiện được vì ...hụt tiền.

Ông Nguyễn Đình Đấu, GĐ Sở TN&MT tỉnh đã yêu cầu các xã nên xây dựng 1 bãi rác, mỗi thôn có 1-2 điểm trung chuyển, mỗi huyện quy hoạch 1 bãi xử lý tập trung, khi tỉnh có Khu liên hợp xử lý rác thì các bãi rác chính của huyện sẽ là điểm trung chuyển của tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư tỉnh ủy TT-Huế, Chủ tịch HĐND tỉnh trước vấn đề này đã khẳng định “Tỉnh đang chuẩn bị ưu tiên khẩn cấp xây dựng đề án xử lý rác thải nông thôn. Vì trên con đường xây dựng Huế thành TP trực thuộc Trung ương mà rác thải nông thôn lại là vấn đề bức bối như thế thì các ban ngành phải chấn chỉnh làm ngay.

Mặt khác, việc xảy ra tình trạng khai thác cát sạn bừa bãi chắc chắn có sự tiếp tay của chính quyền. Ngay sau kỳ họp, các UBND các cấp phải quyết liệt về chỉ đạo lại bộ máy để chấn chỉnh”.

Trong kỳ họp tới của  HĐND tỉnh TT-Huế, ban chủ tịch hội đồng sẽ xem xét, đánh giá lại những việc đã được đề ra, thực hiện trong kỳ họp lần này để so sánh đã làm được hay chưa; làm đến đâu để ngày càng nâng cao lòng tin trong người dân.


Trong kỳ họp lần này, các vấn đề "nóng" khác cũng được đưa ra đối chất như mạnh tay hơn với nạn chèo kéo khách đi nghe ca Huế sông Hương & chất lượng ca sĩ biểu diễn ca Huế; Tiến trình di dời nhà máy xi măng Long Thọ để giải quyết tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn, chất thải rắn cho cư dân; Giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình lạm phát, giá cả tăng cao, đời sống người dân có thu nhập thấp đang gặp nhiều khó khăn. Và cả vấn đề đội bóng "con cưng" của tỉnh là Huda Huế đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, cầu thủ buộc đội phải xuống chơi hạng 2 - một điều hiếm thấy trước đây.

Đại Dương