TP Vinh:

Hàng trăm người dân "nghẹt thở" vì nhà máy giấy

(Dân trí) - Khoảng 3 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân phường Cửa Nam (TP Vinh, Nghệ An) và một số khu vực lân cận luôn phải "ăn ngủ" cùng ô nhiễm môi trường nước và không khí nghiêm trọng.

Hàng trăm người dân nghẹt thở vì nhà máy giấy
Rãnh xả nước thải chưa qua xử lý của Công ty An Châu.
 
Căn nguyên của tình trạng này là khói thải và nước thải chưa qua xử lý xả ra vô tội vạ từ xưởng sản xuất giấy của Công ty TNHH An Châu (chuyên SX giấy Krap)...

Trong đơn thư gửi tới PV của người dân các khối 13, 14 và 15 phường Cửa Nam có chữ ký đại diện của trên 30 người dân, lá đơn nói rõ về việc Công ty TNHH An Châu (đóng trên địa bàn khối 14, phường Cửa Nam) xả nước thải và khí thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

"Đây là sơ sở sản xuất đặc thù, sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại nhưng không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Hàng ngày xưởng sản xuất này thải ra một lượng nước tẩy rửa, chứa nhiều thành phần xả trực tiếp ra sông Côn Mộc dường như đang giết chết dòng sông này, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cho cả thành phố.... Chưa hết, cơ sở còn xây dựng lò đun nồi hơi nước, đốt bằng phế liệu thải, bao gồm bao bóng và các loại phế liệu khác thải ra một lượng khói màu đen bao trùm cả khu dân cư, gây ngạt thở; gây ra các chứng bệnh như đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở, chảy máu cam... " - đơn thư nêu rõ.
 
Hàng trăm người dân nghẹt thở vì nhà máy giấy
Khuôn viên nhếch nhác toàn nước thải và rác rưởi

Chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất của Công ty An Châu, theo quan sát của PV, nhà máy có khuôn viên tương đối rộng, tuy nhiên nhìn qua lại rất nhếch nhác. Bên trong là hệ thống máy móc cũ kỹ đang tạm ngừng hoạt động, thế nhưng mặt sàn vẫn rất ẩm ướt và nhiều nơi vương vãi một lớp chất thải như bùn nhão.

Được biết, tất cả các chất thải của nhà máy đều được thu gom vào một cái mương rộng chừng 20cm đi vòng vèo rồi thải ra khu vực phía sau nhà máy và ra một nhánh sông nhỏ trước khi tuồn ra sông Côn Mộc khiến dòng sông này "oằn mình" gánh phế thải.

Người dân khối 14 nằm ngay sát phía sau cơ sở sản xuất này là những người hứng chịu nhiều ô nhiễm nhất. Đơn cử như hộ gia đình ông Hoàng Hữu Phúc, ông Lê Danh Khanh hay ông Hồ Thanh Hải...
Hàng trăm người dân nghẹt thở vì nhà máy giấy
Chất thải vương vãi khắp nơi

"Ô nhiễm ở khu vực này thì đã mấy chục năm nay rồi. Nhưng khổ nhất là 3 năm trở lại đây từ khi Công ty An Châu xây dựng lò nấu hơi sử dụng phế liệu để đốt thì tình hình ô nhiễm không khí trở nên rất trầm trọng. Cả ngày chúng tôi phải đóng kín tất cả các cửa và dùng tấm xốp để che chắn mùi khét và mùi hắc nhưng vẫn chỉ đỡ được một phần nhỏ thôi nhà báo à", ông Hoàng Hữu Phúc than vãn.

Cùng chung cảnh ông Phúc, ông Hồ Thanh Hải tiếp lời: "Như tui đây đã già chết cũng không sao. Giờ 5 đứa cháu nhỏ chẳng biết chúng nó sẽ phải chịu đựng được đến bao giờ? Cháu nhỏ nhất mới có 8 tháng tuổi, còn lại mới chỉ từ 2 đến 4 tuổi, hàng đêm mùi kinh khủng chúng khóc không chợp mắt vì tức ngực, khó thở. Các cháu của tui đều ốm triền miên mà chủ yếu là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Hai đứa nhỏ nhất ốm quá nên khi đưa đi bệnh viện về tui liền bàn với bố mẹ nó cho sang "lánh nạn" bên nhà ông bà ngoại mấy tháng nay rồi".
Hàng trăm người dân nghẹt thở vì nhà máy giấy
Nhiên liệu là phế liệu dùng để đốt lò hơi được chất thành bãi khổng lồ.

Ông Lê Danh Khanh, nhà nằm sát miệng xả thải của cơ sở sản xuất này nói: "Nhà tui thì chịu cả 2 loại ô nhiễm, miệng hố xả thải lỏng nằm cách cửa nhà có mấy chục mét, ống khói thải cũng thế nên cả nhà tui cơ khổ vì ô nhiễm đã mấy năm trời. Bức xúc quá nên đã nhiều lần các thanh niên trong khối tập trung lại chửi bới và ném đá vào nhà máy, thậm chí còn đòi vào phá nhà máy nhưng chúng tôi kịp can thiệp, nếu không thì chẳng biết chuyện gì sẽ xẩy ra?".

Theo đông đảo người dân nơi đây thì việc cơ sở sản xuất giấy An Châu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt đã từ lâu và họ cũng đã rất nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng chỉ có tác dụng một vài ngày, rồi đâu vẫn vào đấy, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm!

Trước vấn đề này, bà Ngô Thị Huệ - Giám đốc Công ty An Châu giải thích: "Trước đây chúng tôi có làm 5 hố xử lý nước thải nhưng nay đã bị lấp chỉ còn lại 1 hố, nhà máy chỉ sử dụng than đá để đun lò chứ không dùng phế liệu như người dân phản ánh. Có chăng thì chỉ dùng phế liệu để nhen lò 5-7 phút nên mùi hôi, khét như người dân phản ánh là không có cơ sở"(?).
Hàng trăm người dân nghẹt thở vì nhà máy giấy
Người dân bất bình đang "tố" Công ty An Châu gây ô nhiễm với PV.
 

Nhưng theo quan sát của PV thì cơ sở này không hề dùng than để đun lò như bà giám đốc kia đã nói mà trong khuôn viên đơn vị này không hề thấy nơi tập kết nhiên liệu là than đá. Ngược lại, một bãi phế liệu khổng lồ với đầy đủ các loại rác thải như túi nilon, bao bì xác rắn... được chất la liệt và đây được cho là nguyên liệu duy nhất để đun lò.

Người dân nơi đây đang rất mong chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Đình Tiệp - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm