EC hỗ trợ Việt Nam bảo vệ rừng tự nhiên

(Dân trí) - Hội đồng châu Âu đã quyết định tài trợ cho một dự án giúp Việt Nam đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện với Liên minh châu Âu nhằm hỗ trợ nước ta khai thác và xuất khẩu gỗ hợp pháp, trong đó có yêu cầu không xuất khẩu gỗ khai thác từ rừng tự nhiên.

Mặc dù là một quốc gia xuất khẩu gỗ số một ở khu vực Đông Nam Á, hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 40% nguyên liệu từ nhiều nước trên thế giới trong đó có Lào nhằm phục vụ cho chế biến gỗ xuất khẩu.

Trong khi việc kiểm soát nguồn gốc các nguyên liệu gỗ nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, thì thị trường quốc tế ngày càng đưa ra các qui định ngặt nghèo về nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp như Luật Lacey của Hoa Kỳ, EUTR của EU,…vv.

Theo Quy định về gỗ của EU có hiệu lực từ 3/3/2013, mọi sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường EU đều phải chứng minh được có nguồn gốc hợp pháp, ví như gỗ không được khai thác từ rừng tự nhiên.

EC hỗ trợ Việt Nam bảo vệ rừng tự nhiên
Việc gia nhập Hiệp định VPA sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu gỗ sang EU và bảo vệ rừng tự nhiên (Ảnh minh họa)

Quy định này buộc nhà nhập khẩu gỗ vào EU phải làm trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ và có trách nhiệm về truy xuất nguồn gốc gỗ trong chuỗi cung ứng. Có 2 trường hợp ngoại lệ là sản phẩm được cấp phép FLEGT và CITES được coi là gỗ khai thác hợp pháp và không phải làm trách nhiệm giải trình khi vào EU.

Nhằm hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực đàm phán và thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) với Liên minh châu Âu trong khuôn khổ sáng kiến Tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), Hội đồng châu Âu (EC) và đối tác đã quyết định tài trợ cho dự án “Tiếp cận chung tới tiến trình VPA tại Việt Nam và Lào”.

Sáng nay (21/5), Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức khởi động dự án này nhằm góp phần đưa ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam phát triển bền vững và phù hợp với quy định quốc tế.

EC hỗ trợ Việt Nam bảo vệ rừng tự nhiên
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT (bên trái) chủ trì Hội thảo ra mắt dự án (Ảnh: N.A)

Dự án có tổng kinh phí là 2,6 triệu euro, trong đó EC tài trợ 80%, vốn đối ứng của WWF là 20%. Kinh phí cho các hoạt động tại Việt Nam là hơn 1 triệu euro, WWF-Việt Nam đóng vai trò là cơ quan quản lý dự án và phối hợp cùng VNFORST để thực hiện dự án trong 4 năm, từ tháng 4/2014-3/2018.

Dự án có hợp phần tăng cường đối thoại chính sách với Lào, tăng cường các biện pháp kiểm soát từ khâu khai thác đến vận chuyển và buôn bán gỗ qua đường bên giới. Đây là những hoạt động rất cần thiết trong bối cảnh cả 2 nước đều đang đàm phán Hiệp định VPA và đã ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác Song phương về Lâm nghiệp.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết: “Để đạt được hiệp định VPA, chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn gỗ trong nước cả về quy cách và chất lượng phẩm chất của gỗ. Thứ hai là phải giảm tối đa lấy gỗ từ rừng tự nhiên mang đi chế biến mà phải lấy gỗ từ rừng trồng và hiện nay Chính phủ Việt Nam đã không cho khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Gỗ khai thác từ rừng trồng cũng phải xác định rõ nguồn gốc gỗ là hơp pháp thông qua quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ nguồn gốc cho sản phẩm."

Việt Nam bắt đầu tiến trình đàm phán Hiệp định VPA từ năm 2010, và cho đến thời điểm này đã đàm phán xong các nội dung cơ bản, bao gồm Khuôn khổ định nghĩa Gỗ hợp pháp, Chuỗi cung ứng, Hệ thống Đảm bảo Gỗ Hợp pháp, hệ thống cấp phép FLEGT, và giám sát, đánh giá độc lập. Việt Nam và EU đặt mục tiêu kết thúc đàm phán về Hiệp định này vào cuối năm nay.

Nguyên An