Sóc Trăng:

Để biển lại bị vỡ do triều cường

(Dân trí) - Trước ảnh hưởng của triều cường và sóng biển, nhiều tuyến đê biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) liên tục bị sạt lở nghiêm trọng.

Ghi nhận của PV, mới đây nhất, tuyến đê biển thuộc ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, triều cường kết hợp với gió lớn đã làm vỡ một quãng đê dài gần 50m thuộc đoạn K41 và K43. Điều đáng nói, cách đây không lâu, đoạn đê này đã bị vỡ một lần vào cuối tháng 10/2015.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương và ngành chức năng phối hợp với người dân địa phương tích cực gia cố và đắp lại tuyến đê.

Theo UBND xã Vĩnh Hải thì vụ sạt lở và vỡ gần 50m đoạn đê không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và đời sống, sản xuất của người dân tại địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, tuyến đê bị sạt lở trên và các tuyến đê khác trên địa bàn xã cần được đầu tư hoàn chỉnh hơn hiện tại. Hiện các vạt rừng tràm phía ngoài đê không còn, vì vậy, khi thủy triều lên nhanh kết hợp với gió lớn sẽ gây vỡ đê. Bên cạnh đoạn đê vỡ thì còn nhiều điểm sạt lở đang ăn mòn chân đê có thể làm vỡ đê bất cứ lúc nào khi triều cường dâng cao trong những ngày tới.

Đoạn đê biển bị vỡ ngày 25/2 vừa qua.
Đoạn đê biển bị vỡ ngày 25/2 vừa qua.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng thì dự án đê biển Vĩnh Châu có tổng mức đầu tư khoảng 430 tỉ đồng. Trong đó đoạn Mỹ Thanh 2 đến Trà Sết thuộc xã Vĩnh Hải có tổng vốn đầu tư gần 150 tỉ đồng; đoạn Trà Sết (xã Vĩnh Hải) đến giáp ranh tỉnh Bạc Liêu khoảng 280 tỉ đồng. Dự án thuộc chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang được phê duyệt theo Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Phần nâng cấp đê biển Vĩnh Châu sẽ tiếp tục triển khai hoàn chỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Riêng phần cứng hóa 51,45km đê biển sẽ thực hiện sau khi đê đã được nâng cấp hoàn chỉnh, kết cấu ổn định; dự kiến thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được Trung ương bố trí vốn.

Hiện tại, UBND tỉnh Sóc Trăng đã giao cho UBND Thị xã Vĩnh Châu chỉ đạo triển khai, ưu tiên tập trung gia cố những đoạn xung yếu tại vị trí cống 16 đến đoạn K43, khu vực rọ đá đoạn K41...

Trước những ảnh hưởng trên, lãnh đạo UBND tỉnh đã cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thị xã Vĩnh Châu, các Sở ngành tỉnh xuống kiểm tra và chỉ đạo việc khắc phục tuyến đê bị vỡ.

Lực lượng địa phương đang khắc phục tuyến đê bị sạt lở.
Lực lượng địa phương đang khắc phục tuyến đê bị sạt lở.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tuyến đê bị vỡ là tuyến đê biển nằm ở vị trí xung yếu, có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng và an sinh xã hội tại địa phương nên cần phải được khắc phục khẩn trương. Tuy nhiên việc xử lý đê biển rất khó, phải thận trọng xem xét những mô hình khác nhau và phù hợp cho từng đoạn đê. Đặc biệt là cần tính đến việc tập trung trồng lại rừng phòng hộ tại các tuyến đê thường xuyên bị sạt lở để giảm thiểu sức tác động và ảnh hưởng của triều cường và sóng biển. Còn địa phương thì trước hết phải tập trung xử lý tạm thời những đoạn đê bị sạt lở nhiều, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại đến người dân trong vùng đê biển trong những đợt triều cường sắp tới.

Được biết, Sóc Trăng là tỉnh có bờ biển khá dài với trên 72km chạy qua các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và Thị xã Vĩnh Châu; trong đó Thị xã Vĩnh Châu có 49km, đã và đang chịu tác động lớn của biển, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng vào chân đê chắn sóng, có nơi biển ngoạm sâu vào thân đê từ 1-5m, có nguy cơ bị vỡ, tràn cao mỗi khi triều cường, sóng lớn, nhất là đoạn bờ biển thuộc ấp Huỳnh Kỳ, xã Vinh Hải, với chiều dài bị biển xâm thực hàng trăm mét.

Gần đây nhất, từ ngày 27/7 đến ngày 30/10/2015, triều cường dâng kết hợp gió mạnh gây sóng lớn gây sạt lở nhiều đoạn đê xung yếu thuộc xã Lai Hòa và xã Vĩnh Hải (TX Vĩnh Châu) với chiều dài hàng trăm mét, chiều rộng mặt đê từ 1-5m.

Xuân Lương

Để biển lại bị vỡ do triều cường - 3