Thanh Hóa:
Dân kêu trời vì nhiều công ty chế biến hải sản gây ô nhiễm
(Dân trí) - Xả thải khi chưa xử lý triệt để, xây công trình xử lý chất thải nhưng không vận hành thường xuyên, nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép… Đó là thực trạng tại các DN chế biến hải sản khu vực sông Bạng khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sông Bạng có chiều dài khoảng 35 km, bắt nguồn từ huyện Như Xuân chảy qua huyện Tĩnh Gia rồi đổ ra biển trên địa phận 2 xã Hải Bình và Hải Thanh. Mấy năm nay, với lợi thế có cửa lạch Bạng, hàng trăm chiếc tàu thuyền ngày đêm ra vào cảng neo đậu, đổ hàng, kéo theo đó hơn 70 cơ sở, doanh nghiệp và khoảng 200 hộ dân kinh doanh, chế biến hải sản mọc lên đã và đang từng ngày “bức tử” con sông này.
Trong đó, một số cơ sở có quy mô lớn là: Cty CP nông sản Thanh Hoa, Cty CP Sông Việt Thanh Hóa, Cty TNHH Châu Tuấn, HTX Đại Hải, Cty TNHH Phúc Tuyết, Cty CP thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải…
Theo phản ánh của người dân của hai xã Hải Bình và Hải Thanh thì nhiều năm qua, họ liên tục viết đơn phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Bạng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện.
Ông Lê Xuân Toản, thôn Đoan Hùng, xã Hải Bình bức xúc: “Những ngày nắng thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến cho người dân mất ăn mất ngủ. Nhiều người phát đau đầu, buồn nôn. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, chính quyền cũng có hứa nhưng rồi chẳng thấy gì”.
Đúng như những gì mà người dân phản ánh, khi PV có mặt tại các cơ sở sản xuất chế biến hải sản quanh khu vực sông Bạng, môi trường ở đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, gần các Cty như Công ty Sông Việt, Cty Ngọc Sơn, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hải Bình cũng thừa nhận việc ô nhiễm môi trường mà người dân phản ánh là có thật. Chính quyền xã cũng đã làm Công văn báo cáo lên cấp trên đề nghị chỉ đạo xử lý nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện.
“Không thể phủ nhận việc Cảng cá đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công tác quản lý Cảng chưa được chú trọng, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nước thải, rác thải, khí thải. Một số Công ty chế biến hản sản góp phần gây ô nhiễm như Công ty Cổ phần thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải, Công ty cổ phần Sông Việt, Công ty Ngọc Sơn…” - ông Tuấn nói.
Được biết, sau nhiều kiến nghị từ người dân và chính quyền địa phương, vừa qua, đoàn công tác Sở TN-MT Thanh Hóa và Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Tổng cục cảnh sát) phối hợp các sở ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra một số Cty, cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản trên địa bàn.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trong quá trình hoạt động, các cơ sở, doanh nghiệp trên sử dụng nguồn nước tương đối lớn, nước thải từ hoạt động chế biến hải sản của các cơ sở, DN đều chưa được xử lý triệt để, thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước mặt của khu vực và dẫn ra sông Bạng; một số DN có quy mô sản xuất lớn như Cty TNHH Châu Tuấn, HTX Đại Hải, Cty CP Sông Việt Thanh Hóa…đã đầu tư các công trình xử lý chất thải nhưng không vận hành thường xuyên, chất lượng nước thải thải ra môi trường vượt Quy chuẩn cho phép; khu vực làng nghề chế biến hải sản của xã Hải Thanh, Hải Bình chưa có hệ thống xử lý nước tải tập trung, nước thải trực tiếp thải ra sông Bạng,…là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trên con sông này.
Tại biên bản kiểm tra của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường có kết luận về Cty Long Hải: Chất thải nguy hại phát sinh của Công ty gồm: Dầu thải, ắc quy chì thải, vỏ thùng phuy dính dầu thải, hộp mực in thải…với số lượng khoảng 3000kg/năm. Cty không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, không có báo cáo tình hình phát sinh chất thải nguy hại gửi cơ quan chức năng, không xây dựng khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại theo quy định.
Bên cạnh đó, Cty cũng không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng theo quy định. Cty cũng không xây dựng khu vực lưu giữ tạp thời chất thải nguy hại. Chất thải nguy hại không được thu gom mà để lẫn với chất thải khác trong xưởng sản xuất. Chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức cá nhân không có chức năng quản lý chất thải nguy hại theo quy định.
Tại biên bản kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa kết luận nêu rõ đối với Cty cổ phần Sông Việt: “Nước thải sau hệ thống xử lý tập trung ra sông bạng của Cty CP Sông Việt Thanh Hóa so sánh với QCVN 11:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản có chỉ tiêu Caliform vượt 1,06 lần”.
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Long, Phó giám đốc Cty này vẫn một mực phủ nhận việc Cty góp phần làm ô nhiễm môi trường khu vực sông Bạng. Ông Long khẳng định Cty luôn thực hiện đúng quy định về môi trường, không xả thải gây ô nhiễm, tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Đồng thời, đổ lỗi việc sông Bạng ô nhiễm là “do các tàu thuyền neo đậu, còn nếu mùi hôi thối mà PV và người dân phản ánh thì theo ông Long “xung quanh có rất nhiều nhà máy chế biến hải sản, nên không thể nói đó là mùi từ Cty Sông Việt”.
Khi PV cho biết về kết luận của Sở TN&MT về việc nước thải của Cty xả ra môi trường vượt mức cho phép, mặc dù với cương vị là Phó giám đốc nhưng vị này cho hay, không hề biết đến kết luận này, cũng không biết Sở TN&MT kiểm tra khi nào.
Có lẽ với mong muốn trả lại môi trường trong sạch cho người dân hai xã Hải Thanh và Hải Bình (Tĩnh Gia) nhiều năm qua vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Nguyễn Thùy