Cuộc “xâm lăng” Hồ Gươm của rùa tai đỏ

Một nhiếp ảnh gia không chuyên đã dành một thời gian dài để theo dõi và chụp ảnh rùa tai đỏ ở hồ Gươm. Sự hiện diện của loài rùa này ở hồ là điều khiến anh không khỏi lo lắng...

Nguy cơ từ rùa tai đỏ - một loài động vật xâm hại nguy hiểm đối với hồ Gươm đã được nhà rùa học Hà Đình Đức cảnh báo từ năm 1997. Nhưng cho đến nay loài động vật xâm hại này vẫn nhởn nhơ trong lòng hồ, thậm chí còn tăng trưởng với số lượng ngày một nhiều hơn.

Anh Cao Mạnh Tuấn, quản trị website Thế giới động vật (thegioidongvat.org) đã dành một thời gian dài để theo dõi và chụp ảnh rùa tai đỏ ở hồ Gươm. Sự hiện diện của rùa tai đỏ ở hồ là điều khiến anh không khỏi lo lắng.

Anh Tuấn cho biết, vào những ngày nắng, có thể bắt gặp rùa tai đỏ bơi tung tăng quanh đền Ngọc Sơn. Chúng còn nổi lên phơi nắng đầy ở những rễ cây si quanh đền, ai vứt đồ ăn xuống là chúng lao vào ăn ngấu nghiến.

Đáng lưu ý, có những dấu hiệu cho thấy rùa tai đỏ đã sinh sản được ở hồ Gươm. Đó là một lứa rùa con có kích thước đồng đều nhau, mỗi con to cỡ hai ngón tay. Nhiều khả năng đây là lứa rùa nở ra ở hồ Gươm vì ở hồ không thiếu gì bãi để chúng bò lên đẻ trứng, như tháp Rùa và ven đền Ngọc Sơn.

Có thể rùa tai đỏ đã lai với nhiều loài rùa khác trong hồ nên có con thì đỏ quạch, con vàng ươm, con thì lại đen xì nhưng đều có đặc điểm chung là màu đỏ nổi ở hai bên tai.

Theo anh Tuấn, bắt rùa tai đỏ không khó lắm. Có nhiều cách để bắt, nhưng dễ nhất là câu. Chỉ cần móc mồi giun vào lưỡi câu thả trước mặt lũ rùa rồi nhấp nhấp là chúng đớp. Rùa tai đỏ đã nuốt rồi là không buông, cứ việc nhấc thẳng lên là tóm được.

“Ngày trước bọn tôi câu cá ở hồ Gươm, có ngày được cả nửa xô cá bống. Nhưng bây giờ thì chả còn cá bống nữa, có khi là bị rùa tai đỏ với cá chép xơi sạch rồi”, anh Tuấn chia sẻ.

Nếu là sự thật, điều này có nghĩa là một nguồn thức ăn dành cho các loài bản địa, trong đó có cụ Rùa hồ Gươm đã bị cạn kiệt bởi sự phàm ăn của loài "thủy quái" tai đỏ...

Một số hình ảnh về rùa tai đỏ ở đền Ngọc Sơn, anh Cao Mạnh Tuấn cung cấp.

Cuộc “xâm lăng” Hồ Gươm của rùa tai đỏ  - 1
Loài "thủy quái" hồ Gươm không to lớn, nhưng đặc biệt hung dữ và phàm ăn.
 
Cuộc “xâm lăng” Hồ Gươm của rùa tai đỏ  - 2
Vào những ngày nắng, không khó khăn để bắt gặp rùa tai đỏ "nhởn nhơ" trên mặt nước quanh đền Ngọc Sơn.
 
Cuộc “xâm lăng” Hồ Gươm của rùa tai đỏ  - 3
Thậm chí chúng còn bò lên cành cây để sưởi nắng.
 
Cuộc “xâm lăng” Hồ Gươm của rùa tai đỏ  - 4
Dấu hiệu đặc trưng để nhận diện loài "thủy quái" này là vạch đỏ kéo dài sau mắt.
 
Cuộc “xâm lăng” Hồ Gươm của rùa tai đỏ  - 5
Một "thủy quái"chỉ nhỏ bằng chiếc lá si, rất có thể đã nở ra ở hồ.
 
Cuộc “xâm lăng” Hồ Gươm của rùa tai đỏ  - 6
Sự thích nghi và sinh sôi nảy nở của rùa tai đỏ ở hồ Gươm là điều đáng báo động.
 
Cuộc “xâm lăng” Hồ Gươm của rùa tai đỏ  - 7
Nhiều ý kiến lo ngại rùa tai đỏ sẽ đe dọa sự tồn tại của cụ Rùa hồ Gươm .

Theo Đất Việt