Kiên Giang:

Công bố Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Kiên Giang

(Dân trí) - Tối nay (24/6), UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức Lễ công bố Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (DTSQTG) Kiên Giang. Đây là khu DTSQTG thứ hai tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Công bố Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Kiên Giang - 1
Một góc cửa biển ở TP.Rạch Giá và huyện An Biên.
 
Khu DTSQTG Kiên Giang được tổ chức UNESCO công nhận ngày 27/10/2006, có tổng diện tích 1.146.000 ha, gồm ba vùng lõi: Vườn Quốc Gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Chông và đai rừng ngập mặn ven biển.

Khu DTSQTG Kiên Giang có hầu hết hệ sinh thái nhiệt đới: rừng tràm trên đất úng, phèn; rừng ngập mặn ven biển rừng trên núi đá vôi có nhiều loài quý hiếm; có vùng biển phía Tây rộng lớn với hệ sinh thái biển, tiếp giáp với Camphuchia, Thái Lan…

Xung quanh Khu DTSQTG này, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu như: thành lập Khu Bảo tồn biển trên vùng biển Phú Quốc nhằm bảo vệ tốt các hệ sinh thái san hô và cỏ biển; thành lập khu bảo tồn thiên nhiên vùng đất ngập nước thuộc huyện Giang Thành. Đây là vùng đồng cỏ bàng, năng trên đất ngập nước phèn theo mùa, nơi đàn sếu đầu đỏ về ăn, nghỉ theo mùa.

Tổ chức Hội sếu Quốc tế cũng đã hỗ trợ 500.000USD cho các dự án Bảo tồn đồng cỏ bàng với mục tiêu phát triển nghề sản xuất các sản phẩm từ cỏ bàng cho cư dân trong vùng; Dự án xây dựng một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại Hòn Me là một địa điểm tiềm năng lớn về du lịch sinh thái.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, khu DTSQTG Kiên Giang nếu được quản lý tốt, nhất định sẽ có tác dụng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao.

Huỳnh Hải