Chung tay bảo vệ đại dương
(Dân trí) - Ngày 26/6, hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự kỳ họp của Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) đang diễn ra tại Đà Nẵng đã tham gia chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương” cùng người dân phố biển.
Sự kiện do Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp GEF tổ chức. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ TN - MT Võ Tuấn Nhân.
Sự kiện được tổ chức với thông điệp: Vì một đại dương xanh; vì một đại dương không rác thải nhựa; vì tương lai hãy làm cho biển sạch hơn; hãy đưa nhựa về nơi tái chế; đại dương của sự sống, hãy bảo vệ sự sống của đại dương; quản lý rác thải nhựa đại dương.
Theo đó, từ sáng sớm 26/6, tại bãi biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng, các đại biểu đã cùng đoàn viên thanh niên của các hội, đoàn thể và người dân thành phố dọn vệ sinh, làm sạch bãi biển và tuyến đường ven biển; đồng thời, trồng cây phí lao chắn sóng ven biển.
Mọi người tham dự sự kiện cũng cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, qua đó nâng cao vai trò của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, cũng như bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân chia sẻ: Đà Nẵng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015, là “Thành phố đáng sống”; nhưng vẻ đẹp ấy đang bị đe dọa bởi sự gia tăng của các loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển.
Để giảm thiểu, ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ chất thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mang tính pháp lý và cả những hoạt động, dự án cụ thể. Trong đó, hoạt động làm sạch bãi biển là dịp nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc loại bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển, cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung và rác thải nhựa nói riêng.
Thông tin tại sự kiện, bà Maimunah Mohd Sharif - Giám đốc điều hành Chương trình Định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN Habitat)cho biết: Hằng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương. Trong khi đó, có khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển. Liên Hợp Quốc đã đặt mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 về “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững”. Trong đó, chỉ tiêu 14.1 đặt ra đến năm 2025 là ngăn chặn và làm giảm đáng kể tất cả các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm từ các hoạt động trên đất liền.
Theo bà Maimunah Mohd Sharif, ngoài việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ, cần phải chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về rác thải đại dương và trách nhiệm cộng đồng trong quản lý, bảo vệ môi trường biển.
Đại diện UN Habitat cũng cam kết với Việt Nam rằng sẽ hợp tác và hỗ trợ các đối tác, đặc biệt là Bộ TN-MT trong các hoạt động chống ô nhiễm biển.
Khánh Hiền