“Chúng ta không thể tự lựa chọn loại không khí để thở”
(Dân trí) - “Nếu nguồn nước bị ô nhiễm, ta có thể lựa chọn nước đóng chai hay nguồn nước an toàn hơn để sử dụng. Rau, đồ ăn cũng vậy, ta cũng có thể lựa chọn được. Nhưng với không khí, ta không thể tự lựa chọn loại không khí nào để thở…”.
Đó là phân tích của ông Zsitnyányi Attila, chuyên gia trong lĩnh vực hệ thống quan trắc môi trường không khí và nước tại Hungari, đồng thời là Tổng Giám đốc tập đoàn Gamma (Hungari) tại hội thảo “Hệ thống Quan trắc tự động liên tục môi trường không khí và nước” diễn ra tại Hà Nội trong ngày 12/5.
Ông Zsitnyányi Attila phát biểu tại Hội thảo
Ông Attila phân tích, môi trường không khí và nước xung quanh cuộc sống chúng ta là rất quan trọng. Nhưng với nước, chúng ta có thể tự lựa chọn loại nước nào để uống, hoặc sử dụng các thiết bị để làm cho nguồn nước đó an toàn hơn để dùng. Tuy nhiên, với bầu không khí xung quanh chúng ta sống, ta không thể tự lựa chọn chúng để thở. Bắt buộc phải thở chung 1 bầu không khí đó. Chính vì vậy, công tác quan trắc môi trường không khí và nước là rất quan trọng. Các cơ quan chức năng phải đưa ra được các thông số về quan trắc môi trường không khí và nước chính xác, để từ đó mới có biện pháp xử lý chúng an toàn hơn với cuộc sống con người.
Cũng theo ông Attila, muốn có được các thông số quan trắc chính xác và có thể đặt máy quan trắc ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, cần có 1 hệ thống máy móc hiện đại, phù hợp với các điều kiện ở Việt Nam: “Hệ thống máy móc quan trắc môi trường không khí và nước ở Việt Nam chủ yếu là dạng container. Do đó, nó rất cồng kềnh, chi phí rất cao, vận hành chúng cũng phức tạp hơn nhiều. Bởi chúng to, nên sử dụng nguồn điện lớn. Mà ở những nơi không có nguồn điện có sẵn, lại phải lắp đặt thêm hệ thống máy phát. Mà máy phát chủ yếu chạy bằng dầu, khi chúng chạy, sẽ xả ra môi trường tại đó 1 lượng khí thải nhất định. Loại máy này rất hay phải bảo chì, bảo dưỡng”.
Do đó, ông Attila cho rằng, những thiết bị quan trắc ở Việt Nam là khá lạc hậu, chi phí cao nên hiện tại chưa thể lắp đặt ở nhiều nơi. Vì vậy, môi trường không khí và nước ở 1 số vùng trên lãnh thổ Việt Nam vẫn còn “bỏ ngỏ”.
Tại hội thảo, tập đoàn Gamma đã giới thiệu với các đại biểu của Trung tâm Quan trắc môi trường, thuộc Tổng cục Môi trường Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường của nhiều tỉnh thành trên cả nước về hệ thống máy móc quan trắc môi trường hiện đại mà các nước tiên tiến của châu Âu như Hungari, Bỉ… đang sử dụng. Đó là các thiết bị máy móc nhỏ ngọn, vận hành đơn giản, có thể chạy hàng năm mà không cần bảo trì. Đặc biệt, chi phí lặp đặt rẻ hơn rất nhiều so với máy quan trắc dạng container.
Gamma giới thiệu xe quan trắc môi trường lưu động
“Chúng tôi nghiên cứu ra các thiết bị quan trắc môi trường không khí và nước nhỏ gọn hơn nhiều so với dạng container mà Việt Nam đang dùng. Có thể lắp cố định, có thể di động bằng máy dạng xe lưu động. Chi phí lắp đặt rất thấp, vận hành đơn giản. Chúng sử dụng điện dân dụng, không cần điện cao áp như máy dạng container. Khi không có nguồn điện sẵn, chúng sẽ dùng nguồn pin năng lượng mặt trời. Do đó, chúng ta có thể lắp đặt chúng ở nhiều nơi như các khu công nghiệp, khu dân cư rất thuận tiện” – ông Petranyi Janos, Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Tập đoàn Gamma phân tích thêm.
Ông Nguyễn Văn Thùy (bìa trái) và ông Attila tại Hội thảo
Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thùy – Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường, thuộc Tổng cục Môi trường Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Quan trắc môi trường không khí và nước là hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, muốn công việc này được thực hiện tốt, cần có đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn và hệ thống máy móc đồng bộ, hiện đại. Tại Hội thảo, tập đoàn Gamma đã giới thiệu 2 hệ thống máy móc quan trắc môi trường tự động liên tục: Đối với không khí ở 2 khu vực là môi trường không khí xung quanh, đó là không khí chúng ta đang sống; môi trường ở các hàng rào quanh các nhà máy, khu công nghiệp để đo lượng khí thải tại đây. Còn với môi trường nước, có môi trường nước xung quanh là sông, ao, hồ…và khu vực nước xả của các nhà máy.
Ông Zsitnyányi Attila cho biết thêm, trong thời gian tới, sẽ hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho các cán bộ Quan trắc môi trường tại Việt Nam; sau đó sẽ chuyển gia kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại và hướng dẫn lắp đặt, sử dụng cho các cán bộ môi trường tại Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sỹ Phan Bích Thiện – Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary – Việt Nam, chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho biết: “Hội thảo này bàn về lĩnh vực quan trắc môi trường, tôi thấy lĩnh vực này của chúng ta còn yếu về kinh nghiệm, công nghệ, thông tin so với các nước châu Âu nói chung và Hungari nói riêng. Do đó, tôi đã đứng ra kết nối để tổ chức buổi hội thảo này. Môi trường ở Việt Nam đang rất cấp bách, tốc độ đô thị hóa phát triển, song song với nó là các vấn đề môi trường chưa được giải quyết. Vì vậy, Hội thảo này, các bên liên quan trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp công việc quan trắc môi trường của chúng ta tốt hơn, từ đó có hướng xử lý môi trường tốt hơn. Tạo cho chúng ta được sống trong môi trường an toàn hơn”.
Nhiều đại biểu nhận định, đây là cơ hội cho nhiều vùng của Việt Nam được “khám bệnh” về môi trường thường xuyên hơn. Từ đó, đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường sống tốt hơn.
Nguyễn Dương