Cả nước phát hiện hơn 21.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng
(Dân trí) - Sáng 1/12, tại Đà Nẵng, Cục Kiểm lâm đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2014 và sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 3713/CT-BNN.
Theo Cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến hết tháng 10/2014, cả nước đã phát hiện 21.115 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 4% về số vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 18.417 vụ. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 18.222 vụ, xử lý hình sự 19 vụ, số vụ đưa ra xét xử còn thấp, chỉ 10 vụ (chiếm 5%).
Cụ thể, về vi phạm phá rừng trái phép, cả nước phát hiện 1.894 vụ, diện tích rừng bị phá là hơn 600 ha. Rừng bị phá trái phép vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đặc biệt các dự án được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hoặc cải tạo rừng và diện tích chuyển giao từ các lâm trường quốc doanh. Mục đích chủ yếu của hành vi phá rừng trái luật là để lấy đất sản xuất phục vụ nhu cầu sinh sống của hộ gia đình; trồng cây nông nghiệp (sắn, ngô…), cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, hồ tiêu… Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người dân tại chỗ, di cư tự do, thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn.
Quang cảnh hội nghị
Về vi phạm khai thác lâm sản trái phép, cả nước đã phát hiện và xử lý 1.895 vụ, tăng 48 vụ (tương ứng 3%) so với cùng kỳ năm 2013. Việc khai thác lâm sản trái phép diễn ra ở những địa phương còn nhiều rừng tự nhiên, còn nhiều gỗ có giá trị thương mại cao; ở những khu vực thuận lợi về giao thông, vùng giáp ranh, địa bàn có nhiều cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ ở trong rừng và gần rừng. Trọng điểm của tình trạng khai thác gỗ, lâm sản trái phép hiện nay là Đắc Nông, Đắc Lắc, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, Bắc Kạn…
Phương tiện lâm tặc sử dụng để khai thác gỗ trái phép chủ yếu là cưa máy nên rất cơ động, tốc độ khai thác gỗ và tàn phá rừng nhanh. Đối tượng khai thác gỗ trái phép chủ yếu là người dân địa phương được sự hỗ trợ kích thích của các đầu nậu buôn bán gỗ và thường hay manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng bảo vệ rừng khi bị phát hiện, ngăn chặn.
Cả nước cũng đã phát hiện 10.345 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ và lâm sản, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hành vi mua, bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật tập trung chủ yếu tại các địa phương có nhiều rừng tự nhiên hoặc các tỉnh có đường biên giới (Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia).
Về vi phạm cháy rừng, đã để xảy ra 419 vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại là 1.722 ha. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ cháy rừng tăng lên 73% và diện tích thiệt hại tăng 85%. Nguyên nhâ chủ yếu gây cháy rừng là do đốt thực bì làm nương rẫy, đốt đồng ruộng để cháy lan vào rừng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: “Trong 2014 có sự phối hợp rất tốt giữa các bộ ngành, nhất là Bộ công an cùng với lực lượng kiểm lâm đã xử lý được một số đầu nậu lớn ở khu vực Tây Nguyên. Không chỉ là khai thác và vận chuyển gỗ, kể cả buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tuy vậy, điều kiện hiện nay có thể nói, lực lượng kiểm lâm vẫn còn phải tiếp tục chỉnh đốn chính lực lượng mình. Nhà nước cũng phải tăng cường điều kiện để cho lực lượng kiểm lâm xử lý đúng pháp luật tránh tình trạng hành chính hóa tội phạm. Đồng thời tiếp tục nâng cao vai trò của cả hệ thống chính trị nhất là các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy đảng… chủ đạo các lực lượng thực hiện mục tiêu xã hội hóa”.
Khánh Hồng