Cà Mau:

Bốn "điểm đen" ô nhiễm môi trường ở Cà Mau

(Dân trí) - Các tuyến sông trong nội ô TP Cà Mau, khu công nghiệp Hòa Trung, cụm công nghiệp Sông Đốc, các khu dân cư tập trung trong nội ô Cà Mau và thị trấn Sông Đốc… là những khu vực được xác định ô nhiễm nặng về môi trường của tỉnh Cà Mau.

Theo kế hoạch, năm 2018, Cà Mau là một trong 4 tỉnh mà Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, các tuyến sông trong nội ô TP Cà Mau thường xuyên bị ô nhiễm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản của TP Cà Mau mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của các huyện lân cận.

Nguyên nhân gây ô nhiễm là do mật độ tập trung cao của nhà ở, chợ và cơ sở sản xuất nằm ven sông, hoạt động mua bán của các phương tiện thủy,… đã tạo nguồn thải lớn vào sông, rạch. Hầu hết các tuyến này trong nội ô TP đều bị bồi lắng, khả năng thoát nước kém nên các chất ô nhiễm tích lũy ngày càng trầm trọng.

Còn tại khu công nghiệp Hòa Trung, hiện có 9 cơ sở sản xuất công nghiệp (5 cơ sở chế biến thủy sản và 4 cơ sơ chế biến chytin, nước mắm) phát sinh nhiều mùi hôi, khí thải, nước thải ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân trong khu vực và xung quanh.

Qua ghi nhận, nguyên nhân ô nhiễm là do không có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung; hầu hết các cơ sở sản xuất nằm cạnh kênh xáng Lương Thế Trân, nhiều vị trí xả thải nằm bên dưới nhà dân ven sông, nên rất khó kiểm soát việc xả thải. Thêm vào đó, do đặc điểm loại hình sản xuất chytin và nước mắm phát sinh nhiều mùi hôi khí thải phát tán rộng; nhiều cơ sở chưa lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý mùi hôi.

Trong khi đó, cụm công nghiệp Sông Đốc và khu vực tiếp giáp có 12 cơ sở sản xuất công nghiệp (3 cơ sở chế biến thủy sản và 9 cơ sở sản xuất bột cá) phát sinh nhiều bụi khói, mùi hôi, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, do khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất đều nằm ven sông nên khó kiểm soát việc xả thải. Mặt khác, đặc điểm loại hình sản xuất bột cá với công nghệ lò hơi đốt trấu rời nên phát sinh nhiều bụi, khí thải ra môi trường xung quanh. Nhiều cơ sở sản xuất chytin, sơ chế thủy sản nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước thải vẫn đang tồn tại cạnh khu công nghiệp, nên mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Tỉnh Cà Mau cũng xác định, các khu dân cư tập trung trong nội ô Cà Mau và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) bị ô nhiễm môi trường thường xuyên, do rác thải vứt bừa bãi tại các khu đất trống, ao tù. Đến nay, khu vực này hình thành những bãi rác tự phát với khối lượng lớn.

Các khu dân cư ven sông ở Cà Mau. (Ảnh minh họa)
Các khu dân cư ven sông ở Cà Mau. (Ảnh minh họa)

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, cần phải có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, để góp phần cải thiện môi trường sống, bảo vệ sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu, cần huy động toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường việc tuyên truyền cho các tổ chức, hộ gia đình ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác ra sông rạch và tự nguyện chấp hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tăng cường kiểm tra các khu vực công cộng thường xuyên có phát sinh rác thải gây ô nhiễm để tiến hành lắp đặt camera giám sát các khu vực này, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vứt rác lén lút bừa bãi.

Khảo sát, thống kê các cơ sở chế biến thủy sản không có hệ thống xử lý nước thải, buộc các cơ sở này phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải trong năm 2018; kiểm tra đột xuất, đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất không chấp hành việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

Huỳnh Hải