Biển vàng Barcelona…

Bình minh thu, biển Địa Trung Hải đón chúng tôi bằng một mặt gương sóng sánh ánh vàng ôm ấp thành phố thủ phủ xứ Catalan quanh năm ấm áp. Mặt gương ấy được gìn giữ rất công phu, cẩn trọng khiến nó - nếu tính giá trị kinh tế mang lại - cũng như vàng ròng.

Nỗ lực quá khứ

Sau mấy ngày mệt mỏi với Hội nghị, chúng tôi mới có cơ hội ra bãi biển Barcelona. Bãi biển hình vòng cung trải dài tít tắp này thực sự làm chúng tôi tò mò, bởi chỉ với hơn 4km bờ biển của một thành phố chừng 1,5 triệu dân mà mỗi năm Barcelona đón tới 7 triệu khách du lịch nước ngoài - niềm mơ ước của hơn 3.200km bờ biển tuyệt đẹp của Việt Nam.

Một đứa trẻ cất tiếng cười ré lên khiến tôi giật mình khi bắt đầu bước chân xuống bãi biển trong một chiều trời mưa bay, biển vần vũ, những con sóng ập vào bờ đá cao dễ đến cả mét. Không thể nghĩ là trẻ nhỏ được đưa ra biển dạo vào thời tiết này, nhưng trước mắt tôi là 2 cô bé song sinh 18 tháng tuổi rất xinh xắn đang vục tay trên cát, bố mẹ chúng chỉ đứng xa xa canh chừng.

Khi biết tôi là người Việt Nam, Victor Blasco, một luật sư - bố của 2 nhóc tỳ tỏ ra có thiện cảm đặc biệt, vì anh vừa có chuyến đi nghỉ gần 1 tháng ở Việt Nam. Gia đình anh đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hội An, Huế, Hà Nội và lên Sa Pa. Danh thắng Việt Nam anh phát âm ngọng nghịu nhưng vẫn nhớ, chứng tỏ một ấn tượng đặc biệt với vùng đất anh đã đi qua.

Tôi cũng bày tỏ ấn tượng của mình về bờ biển vốn là hải cảng lớn thứ 4 của Châu Âu, tàu thuyền ra vào nhiều; trên bờ cũng có khá nhiều nhà máy và cả một TP khổng lồ với cư dân sống sát biển, làm thế nào mà biển vẫn giữ được vẻ xanh trong, sạch sẽ như vậy? Victor trầm ngâm một lúc rồi nói: "Chị nghĩ nó sạch à, tôi không nghĩ thế, có quá nhiều nhà máy ven biển…". Tuy nhiên, dù chưa hài lòng với độ "sạch" của biển, Victor vẫn tỏ ra tự hào bởi khả năng kiểm soát của chính quyền nơi đây. Anh cho biết, cách đây chừng 20 năm, chính dân Barcelona cũng không dám xuống biển tắm vì nước quá bẩn: "chúng tôi có cảng, có nhà máy… nước thải chảy ra biển khiến nước ô nhiễm nặng. Mọi sự thay đổi hẳn từ năm 1992, khi Olympic mùa hè được tổ chức tại Barcelona, bên cạnh việc xây mới những khu thể thao dưới nước, chính quyền đã đầu tư xây lại toàn bộ hạ tầng, bao bờ biển, phân khu và đổ cát vào. Chị nghĩ cát này tự nhiên à? Không đâu! Đó là cát chúng tôi đổ vào để bao gờ biển…".

Bên cạnh việc quy hoạch bãi biển cực kỳ khoa học; chính quyền cũng có chế tài nghiêm khắc với tất cả các nhà máy, cầu cảng. Các DN buộc phải xử lý nước thải trước khi đổ ra biển. Biển Barcelona trong xanh trở lại. Bên cạnh đó, Thành phố phát triển rất nhiều dịch vụ "ăn theo" biển: du thuyền, lướt ván, câu cá…. "Tôi thích bãi biển Việt Nam hơn vì nó đẹp, hoang sơ, tự nhiên và cát rất sạch. Tuy nhiên, nó cũng hơi buồn tẻ", Victor kết luận.

Biển vàng Barcelona… - 1

Bài học Barcelona

Tạm biệt gia đình nhỏ của Victor với lời mời anh trở lại Việt Nam, tôi bước chân xuống nước để "kiểm chứng". Theo lời Victor thì quả là sự kiểm soát của chính quyền ở đây quá hiệu quả, bởi làn nước trong xanh không hề thấy "dấu vết" gì của một nhà máy lớn nằm lù lù ngay cạnh đó. Lại chạnh nhớ tới Hạ Long của ta, dẫu nồng nàn với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh sắc diễm lệ thì Hạ Long vẫn không gợt bỏ được sự bất bình của du khách khi họ tắm dưới nước, trên bờ hàng quán vô tư cho nước thải sinh hoạt chảy xuống; rồi Vân Đồn với hàng trăm khu nhà nổi nuôi cá lồng bè làm đen ngòm cả mặt nước. TS Hoàng Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường (ĐH Quốc Gia Hà Nội) nói: "Vấn đề thoát nước thải của TP Hạ Long thế giới kêu, nếu không có biện phát xử lý theo cam kết thì UNESCO có thể rút tên ra khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới. Chúng ta đang phải học bài học của Barcelona 20 năm trước".

Về địa hình, TP Barcelona hao hao giống miền Trung của Việt Nam gồm biển-núi nhưng nói về dịch vụ thì nơi đây quả là đệ nhất. Ngay phía trên khu hội nghị Quốc tế là một Sân vận động dưới nước. Kiến trúc sư quả là tài danh khi "lợi dụng" luôn bờ biển để xây dựng theo cách đổ những khối đá, bê tông ra phía ngoài để tạo khu nước tĩnh phía trong. Đây cũng đồng thời là điểm cuối của công viên kéo dài từ đầu cầu cảng Rambla La Mar (cách đó chừng 3km). Tiếp theo đó, ngược về phía cảng là những bãi tắm được ngăn ra bằng những kè đá lớn. Bãi biển ở đây cũng không "thoai thoải cát vàng" mà có độ dốc khá cao (gần như bãi biển Nhật Lệ - Quảng Bình).

Đi qua một bãi tắm vắng vẻ, tới bãi tắm thứ 2 đã thấy vài chục người chơi môn thể thao lướt sóng. Những chàng trai, cô gái Địa Trung Hải với thân hình cân đối, cường tráng đang chế ngự những con sóng cao ngất. Đi thêm một chút nữa là mỏm đá dài dành cho dân câu cá, rồi nhà hàng hình con tàu đè sóng ra khơi đang ồn ã khách vào ra; khu dịch vụ thuyền buồm… 

Biển vàng Barcelona… - 2

Những sản vật của biển

Trên bãi biển là một hạ tầng tuyệt hảo gồm đường đi; nhà vệ sinh, tắm tráng miễn phí; dịch vụ y tế. Chiều tà, rất nhiều cặp vợ chồng dẫn con ra bãi biển dạo chơi, trẻ nhỏ mặc sức lăn lê trên cát.

Ấn tượng nhất với tôi là những… thùng rác. Trên bãi biển, gần như cứ cách 10-20m lại có 2 thùng rác đứng song song (để phân loại rác luôn) và có lẽ với "mật độ" này thì du khách có thiếu ý thức tới đâu cũng phải bỏ rác đúng chỗ. Có lẽ vì vậy mà bãi biển cứ sạch bong, không một cọng rác chứ không phải kêu gọi "làm sạch bãi biển" và dọn rác bãi biển như ở ta.

Những nỗ lực đó được đền bù xứng đáng - chưa tính các nguồn lợi do đánh bắt, cầu cảng…chỉ tính riêng khách du lịch cũng mang lại cho Barcelona hàng chục tỷ Euro/năm và mang lại sự phồn vinh cho thành phố này thông qua các hoạt động giao thương buôn bán.

Lê Huyền
Nông thôn Ngày nay