Biến đổi khí hậu “đe dọa” sinh kế người dân vùng ĐBSCL

(Dân trí) - Nếu nước biển dâng 1m thì khoảng 39% diện tích vùng ĐBSCL sẽ bị ngập nước, 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL sẽ đe dọa đến sinh kế của phần lớn người dân trong vùng.

Thông tin trên được đưa ra trong một tham luận của Ban quản lý dự án Trung ương các dự án thủy lợi (Ban CPO) trong hội thảo kinh tế ĐBSCL được tổ chức vừa qua (từ 5- 7/11) tại Sóc Trăng. 

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo kịch bản phát thải trung bình trong Kịch bản BĐKH nước biển dâng do Bộ TN-MT công bố năm 2012, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ toàn vùng ĐBSCL có thể tăng từ 2 đến 2,6 độ, lượng mưa hàng năm tăng từ 4 - 7%, nước biển dâng từ 62cm đến 82cm. Nếu nước biển dâng 1m thì khoảng 39% diện tích vùng ĐBSCL sẽ bị ngập nước, 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL.

Theo Ban CPO, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2001- 2010 đạt khoảng 11,5%/năm, năm 2012 đạt gần 10% so cả nước, tăng hơn 5%. Trong đó tỷ trọng đóng góp của ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản chiếm phần lớn (53,5%); sản xuất lúa gạo chiếm 55% cả nước; thủy sản chiếm 70% diện tích nuôi, 58% tổng sản lượng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020, vùng ĐBSCL sẽ thành vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, trong đó sản phẩm xuất khẩu chính là lúa gạo và thủy sản. Tuy nhiên, để kinh tế vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển bền vững cần phải giải quyết nhiều thách thức, trong đó có BĐKH được đánh giá là nghiêm trọng, có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội tại vùng.

Thu hoạch lúa trong mùa nước ngập ở Hậu Giang, (Ảnh: Huỳnh Hải)
Thu hoạch lúa trong mùa nước ngập ở Hậu Giang, (Ảnh: Huỳnh Hải)

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, có đến 62,17% dân số vùng ĐBSCL hoạt động trong lĩnh vực nông- lâm- thủy sản; ngành sản xuất chủ yếu liên quan đến 75% sinh kế của người dân trong vùng là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, kể cả một phần đánh bắt thủy sản tự nhiên. Hai nguồn sinh kế này phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm tự nhiên của nguồn tài nguyên khí hậu, nước và đất đai. Sự thay đổi tính chất của cả 3 nguồn này sẽ có tác động rất lớn đến hệ sinh thái và sinh kế của phần lớn người dân trong vùng.

Ban CPO đánh giá, các tác động dự kiến của BĐKH đưa ra cho thấy mối đe dọa thực sự đối với sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Theo dự báo, 90% diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và 70% diện tích sẽ bị xâm nhập mặn do hậu quả của BĐKH. Những tác động kết hợp giữa lũ lụt và xâm nhập mặn đe dọa sản lượng nông nghiệp của vùng, đặc biệt là sản xuất lúa gạo. Dự báo năng suất lúa của ĐBSCL có thể giảm tới 50% vào năm 2100, đe dọa đến an ninh lương thực của Việt Nam.

Bên cạnh đó, dự báo nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt là giảm năng suất lúa của vụ xuân; ước tính năng suất lúa vụ xuân vùng ĐBSCL có thể giảm tới 8,1% vào năm 2030 và giảm tới 15% vào năm 2050 nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Ban CPO nhận định, BĐKH cũng gây nên những tác động tiêu cực trực tiếp đến thu nhập từ nuôi cá tra và nuôi tôm. Những hiện tượng thời tiết tiêu cực có thể xuất hiện thường xuyên và gay gắt như nắng hạn kéo dài, nắng nóng gay gắt, mưa lớn làm độ mặn của nước giảm, ô nhiễm môi trường và nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, tình hình dịch bệnh phức tạp khó kiểm soát, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm…sẽ ảnh hưởng lớn đến đến tính bền vững ngành nuôi trồng thủy sản của vùng.

Trước những tác động xấu của BĐKH nêu trên, theo Ban CPO, với kịch bản BĐKH của các cơ quan Việt Nam và quốc tế đưa ra thì một trong những giải pháp trong việc nâng cao sinh kế, phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng của vùng ĐBSCL là từ nguồn vốn ODA nên rất cần ưu tiên nguồn vốn này cho vùng.

Trong đó, nguồn ODA sẽ có vai trò rất lớn trong việc tập trung hỗ trợ tăng cường năng lực, nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương; Hỗ trợ các hệ thống cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ vùng thượng nguồn, phát triển kinh tế nước mặn và bảo vệ bờ biển cho vùng ven biển thích ứng với BĐKH; Hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng, xây dựng các công nghệ tiên tiến thích ứng với BĐKH; hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật nhằm giảm khí nhà kính; hỗ trợ thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, loại bỏ dần các máy nông nghiệp lạc hậu tiêu thụ nhiều năng lượng cũng như hỗ trợ phát triển sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho vùng. 

Huỳnh Hải