34 triệu USD cho dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê kông” giai đoạn 2
(Dân trí) - Từ ngày 8-11/6, tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo tập huấn nghiệp vụ đấu thầu và công tác quản lý tài chính dự án: “Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê kông mở rộng, giai đoạn 2”.
Hội thảo dành cho lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường của 3 tỉnh Thừa - Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Trị.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ thúc đẩy hợp tác và quản lý xuyên biên giới các hệ sinh thái rừng giữa các nước trong Tiểu vùng Mê kông mở rộng (GMS). Các Chính phủ GMS được sự hỗ trợ của ADB đã xác định được một số khu vực có cảnh quan bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng nhất trong khu vực. Đây là những khu vực nhạy cảm đối với áp lực phát triển và suy thoái môi trường.
Dự án được thực hiện ở 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa - Thiên Huế bao gồm 34 xã của 6 huyện. Hành lang gồm hai phần: Một phần dọc hướng Bắc đến Nam kết nối các khu bảo tồn tại Việt Nam, CHDCND Lào và Campuchia. Phần khác theo hướng Đông sang Tây kết nối các khu bảo tồn quan trọng của CHDCND Lào và Việt Nam.
Hành lang Bắc - Nam của Việt Nam dựa trên cơ sở 5 khu bảo tồn và kéo dài khoảng 300km từ khu bảo tồn thiên nhiên Hướng Hóa ở phía Bắc gần ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình đến khu bảo tồn Ngọc Linh ở các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum ở phía Nam.
Tổng diện tích được bảo vệ trong hành lang này là 227.860 ha, trong đó 193.516 ha có rừng che phủ. Một số khu vực được đề xuất để bổ sung vào bảo tồn, đặc biệt khu bảo tồn Sao La (loài đặc hữu trong vùng) và một số diện tích rừng trong khoảng trống giữa các khu bảo tồn được thiết lập như các khu rừng phòng hộ. Đường Hồ Chí Minh đã được nâng cấp và trải nhựa, kéo dài toàn bộ chiều dài của hành lang và có những quãng đường dài chia cắt hành lang.
Ở Việt Nam, dự án sẽ hỗ trợ liên kết các cảnh quan rừng giàu đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung nhằm tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cần thiết để phát triển bền vững sinh kế cộng đồng và tăng đầu tư cho các ngành thủy điện, giao thông, nước và an toàn thực phẩm. Dự án sẽ thúc đẩy việc sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi và tăng tính sản xuất của các khu vực cảnh quan này.
Ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết: Dự án sẽ duy trì và tăng cường mối liên kết hệ sinh thái rừng giữa các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế của khu vực miền Trung. Hành lang đa dạng sinh học được thiết kế với cách tiếp cận cảnh quan đa dạng sinh học phát triển bền vững, đa mục tiêu.
Theo ông Công, dự án cũng sẽ bảo đảm cho các hộ dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cùng quản lý các nguồn tài nguyên rừng; phục hồi sinh cảnh trên các vùng đất rừng bị suy thoái thông qua việc trồng cây bản địa và các mô hình nông - lâm nhằm tăng các nguồn lâm sản ngoài gỗ. Ngoài ra, cũng sẽ cải thiện sinh kế và tăng thu nhập cho cộng đồng, tạo công ăn việc làm có thu nhập bằng tiền mặt thông qua các hoạt động của dự án.
Được biết, dự án do Bộ Tài nguyên và môi trường là cơ quan chủ quản, Tổng Cục Môi trường là đơn vị thực hiện và điều phối dự án. Dự án sẽ được thực hiện trong 8 năm (từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2019), với tổng kinh phí đầu tư ước tính 34,083 triệu USD (trong đó ADB sẽ tài trợ vốn vay 30 triệu USD từ nguồn Quỹ Phát triển Châu Á (ADF), Việt Nam sẽ đóng góp trên 4 triệu USD bao gồm chi phí lương gia tăng cho các cán bộ tham gia thực hiện dự án, thuê văn phòng, hành chính và hoạt động liên quan đến dự án...
Công Bính