13 quốc gia họp bàn nhằm bảo vệ Hổ

(Dân trí) - Từ 2-4/8, các chuyên gia quốc tế đến từ 13 nước có hổ sẽ tham dự một hội nghị ở Hà Nội để thảo luận về việc triển khai Chương trình tăng số lượng hổ hoàn cầu ngoài tự nhiên.

Hội nghị sẽ đưa ra kế hoạch tổng thể nhằm mục đích nhân đôi số lượng hổ trong tự nhiên trước năm 2022. Theo đó, tất cả 13 nước có hổ đều đã xây dựng và thực hiện Chương trình Phục hồi Hổ Quốc gia.
 
Trước đó, ngày 29/7, Việt Nam lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Quốc tế Hổ với các hoạt động nâng cao nhận thức và hội thảo nhằm mục đích ủng hộ việc bảo tồn hổ và kêu gọi ngăn chặn nạn buộn bán hổ trái phép. Đây sẽ là hoạt động thường niên được tổ chức tại Việt Nam vào các năm sau.

13 quốc gia họp bàn nhằm bảo vệ Hổ - 1

Theo WWF (tổ chức phi chính phủ về bảo tồn), trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 3.200 cá thể hổ sống sót ngoài tự nhiên. Từ năm 1900 trở lại đây, số lượng hổ đã giảm tới 97% trong khi sinh cảnh của hổ giảm đến 93%. Sự suy giảm này phần lớn là do săn bắn trái phép, buôn lậu hổ và các bộ phận cơ thể của hổ, ngoài ra còn do mất sinh cảnh sống và quần thể các loài thú mồi của hổ.

“Đã đến lúc cần có những hành động mạnh mẽ để có thể bảo tồn loài Hổ - loài có vị trí quan trọng đối với đa dạng học và gắn liền với nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Bảo tồn loài hổ và sinh cảnh của chúng là bảo tồn sự đa dạng, phong phú của loài và hệ sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ là một cơ hội để nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này” - bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường Việt Nam, nói.

13 quốc gia họp bàn nhằm bảo vệ Hổ - 2
Hà Nội tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ loài Hổ. (Ảnh: CTV)
 
Việt Nam là một thị trường nóng về buôn bán hổ trái phép do cao hổ và rượu ngâm từ các bộ phận của hổ. Các sản phẩm từ hổ đang ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là đối với giới nhà giàu và quan chức, do những công dụng được cho là có thể chữa bệnh mặc dù chưa được y học kiểm chứng một cách chính thức.

Nhu cầu sử dụng các bộ phận cơ thể hổ ở Việt Nam đã dẫn đến việc buôn bán trái phép và nhập lậu hổ từ những quốc gia lân cận. Theo báo cáo, trong vòng từ tháng 3 đến tháng 6/2010, đã có ba cá thể hổ được vận chuyển trái phép từ Lào bị tịch thu ở Việt Nam.

Ngày 29/72010 được chính thức công bố là ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ ngay trước thềm  Hội Nghị Thượng đỉnh về Hổ diễn ra tại thành phố Xanh Pê-téc-bua. Hội nghị đã quy tụ những người đứng đầu các nước có hổ với cam kết nhân đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022.

 

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm