1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Xử lý đồng nghiệp... lười

Bạn làm việc quần quật không ngơi trong khi đồng nghiệp bên cạnh suốt ngày ôm điện thoại buôn dưa lê, việc chung thì tảng lờ, việc riêng thì... cứ để đó. Phải làm sao với những người như thế này?

Công sở nào cũng có người nọ người kia. Nhưng nhân viên lười và trốn việc thì chẳng nơi nào có thể dung chứa được. Nhận diện họ thế nào?

 

Đó đơn giản là những người thích... chơi hơn làm, thích tán gẫu hơn là họp nhóm, thích ôm điện thoại buôn chuyện riêng hơn là trao đổi công việc chung. Giả sử bạn giao việc cho họ, họ chậm rãi ngả mình xuống ghế và... ngáp. Còn nếu sếp giao việc chung, bạn sẽ phải xoay như một chiếc chong chóng với đống việc này còn đồng nghiệp làm nhóm với bạn sẽ tung tăng đi đánh tennis, xem bóng đá hay tán gẫu với các đồng nghiệp khác.

 

Sẽ thật sự khó chịu, thậm chí phát cáu khi phải làm việc với những con người như thế này. Lẽ đương nhiên phải "trị". Nhưng trị thế nào?

 

1. Cô lập họ

 

Nếu không thể sa thải những người thế này, bạn chỉ có tác động không nhiều tới họ. Nhưng bạn vẫn có cách riêng để "trị" họ. Đó là hoàn toàn lờ người đó đi, loại trừ họ ra khỏi cộng đồng. Không chỉ mình bạn mà hãy kêu gọi cộng đồng trong cơ quan chung tay làm việc này.

 

Đừng để cho những người này đến gần công việc đang tốt đẹp của bạn. Hãy để mọi người cùng "nhổ tận gốc", cùng loại trừ những đồng nghiệp không thích làm việc này.

 

Hãy để mặc họ với cái máy tính của mình. Đừng bắt chuyện với họ, đừng tham gia những trò đùa của họ. Hãy coi như họ không tồn tại và để mặc họ muốn làm gì thì làm. Có thể một lúc nào đó họ sẽ tự nhận thấy mình trông... vô duyên thế nào khi ngồi chơi trong lúc mọi người đang làm việc quần quật và họ sẽ tự thay đổi.

 

2. Cho họ biết hậu quả

 

Bạn nên biết rằng những người lười biếng trong công ty này sớm muộn gì cũng phải lựa chọn: hoặc rời khỏi công việc của bạn, rời khỏi dự án của bạn hoặc quay trở lại và tập trung hết mình cho công việc.

 

Hãy cho họ biết điều đó. Cảnh báo họ. Cho họ thấy rằng chẳng có công ty nào trả lương cho nhân viên để họ ngồi không, ngáp, ngủ và ngáy, ăn và cười khúc khích... Nếu họ tiếp tục như vậy, chẳng chóng thì chầy họ cũng sẽ phải rời công ty mà thôi.

 

3. Không để bị lôi kéo vào

 

Dù thế nào đi chăng nữa bạn cũng không được để mình bị lôi kéo những câu chuyện dưa lê dưa chuột của họ và tự biến mình thành một kẻ... lười biếng. Nếu không thể loại trừ, không thể đuổi việc họ thì ít nhất cũng đừng để mình bị biến thành một người như họ.

 

Nếu họ muốn pha trò và lôi bạn ra khỏi công việc, hãy trả lời ngắn gọn: Tôi phải làm việc, kèm theo đó là một cái nhìn sắc lẻm và một nụ cười mỉa mai. Chắc chắn họ sẽ phải "chờn" bạn ngay.

 

4. Đừng để họ ảnh hưởng tới mình

 

Công việc là của bạn, trách nhiệm và hiệu quả công việc bạn phải gánh, thế nên đừng để những đồng nghiệp lười biếng ảnh hưởng tới bạn, tới kết quả dự án của bạn. Nếu bạn và người đó phải chịu trách nhiệm chung một dự án và họ không hoàn thành nhiệm vụ của mình, hãy thẳng thắn trao đổi với họ và yêu cầu họ thay đổi.

 

Nếu họ vẫn tiếp tục duy trì thái độ bất hợp tác và thích chơi hơn thích làm, hãy trao đổi với cấp trên, báo cáo tình hình cụ thể và đề nghị giải quyết.

 

Còn sau khi đã hoàn thành dự án đó ư? Hãy tránh xa họ!

 

Theo Vtv.vn/Ehow