VN không chấp nhận tuyển lao động xuất khẩu qua Internet

Đề nghị lập trang web để tuyển lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc của Bộ Lao động Hàn Quốc đã không nhận được sự ủng hộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam.

Chúng tôi đã có trao đổi với Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Thanh Hòa xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, tuyển dụng lao động qua mạng là hình thức khá phổ biến đối với nhiều nước. Tại sao phía VN lại không ủng hộ?

Về chủ trương học ngoại ngữ, cấp chứng chỉ tiếng Hàn của Bộ Lao động Hàn Quốc, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội VN hoàn toàn ủng hộ. Nhưng cách làm thì mình không đồng tình.

Có nhiều lý do, thứ nhất cách tuyển dụng hiện nay bước đầu cho kết quả tốt. Đến 31/8, Việt Nam đã chuyển sang phía Hàn Quốc khoảng 15.000 hồ sơ (chỉ tiêu của 2 năm 2004-2005). Phía bạn đã đồng ý tiếp nhận trên 9.000 người và trong số này đã có trên 5.000 người bay sang Hàn Quốc làm việc. Như vậy, so với yêu cầu của bạn chọn 2 hồ sơ lấy 1 thì đến thời điểm này chúng ta đã vượt. Tỉ lệ bỏ trốn rất thấp, đến nay chỉ khoảng 20 người trốn.

Cách đây hơn 1 tháng, đại diện Bộ Lao động Hàn Quốc đã đặt vấn đề với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam về việc cử chuyên gia đến Việt Nam xây dựng trang web để tuyển lao động.

 

Qua trang web này, lao động sẽ trực tiếp đăng ký thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn và dự tuyển sang Hàn Quốc làm việc mà không qua bất kỳ khâu trung gian nào (trang web do Hàn Quốc quản lý).

 

Đại diện phía bạn cho rằng cách làm này là hiện đại, minh bạch, công bằng và tiện lợi. Thái Lan và Phillipines đã áp dụng phương thức tuyển dụng lao động qua Internet.

Thứ hai, lao động xuất khẩu của Việt Nam 60% là từ nông thôn, tiếp cận với công nghệ thông tin hạn chế. Nếu tuyển dụng qua Internet sẽ là rất thiệt thòi cho những lao động yếu thế này. Trong khi xuất khẩu lao động của ta còn vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Thứ ba, việc tổ chức thi tiếng Hàn và tuyển lao động qua Internet sẽ rất dễ bị lợi dụng. Người ta sẽ đổ xô đi học tiếng Hàn, các trung tâm ngoại ngữ, rồi cò mồi ăn theo sẽ tăng nhanh chóng. Điều này rất lãng phí cho xã hội bởi chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có hạn. Đó là chưa tính đến những người học rồi mà không được đi sẽ tính sao?

Còn dưới góc độ quản lý lao động, theo ông những vấn đề gì có khả năng phát sinh nếu tuyển dụng lao động qua Internet?

Hiện nay lao động sang Hàn Quốc theo Luật cấp phép lao động mới chủ yếu là học sinh các trường nghề, bộ đội xuất ngũ. Cơ quan quản lý nắm rất rõ lao động có chịu khó, đạo đức tốt hay không, tay nghề ra sao.

Nếu tuyển qua Internet, mình sẽ không biết được người được tuyển như thế nào, rất có thể họ chỉ thích sang Hàn Quốc để chơi, hay con em nghiện hút, bố mẹ cho đi để trốn khỏi xã hội này. Sẽ rất vô lý vì có một chính quyền trong tay mà không kiểm soát được số người Việt Nam ra nước ngoài là những ai, sang vì mục đích gì.

Ông nghĩ thế nào trước ý kiến cho rằng do việc tuyển dụng lao động của VN hiện nay có nhiều tiêu cực, nên phía Hàn Quốc mới có sáng kiến tuyển qua mạng?

Việc tuyển dụng được tiến hành rất chặt chẽ. Theo Luật cấp phép lao động mới của Hàn Quốc áp dụng từ ngày 17/8/2004, việc tuyển dụng lao động sang quốc gia này không thông qua doanh nghiệp xuất khẩu mà phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ban, ngành địa phương (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội hằng năm sẽ phân chỉ tiêu).

Đối tượng tuyển là học sinh ở các trường nghề dài hạn, bộ đội xuất ngũ. Trung tâm xuất khẩu lao động ngoài nước thuộc Cục quản lý là cơ quan cuối cùng xét duyệt hồ sơ và làm thủ tục cho lao động xuất ngoại.

Vậy ông có thể khẳng định được rằng việc tuyển dụng lao động sang Hàn Quốc là không có tiêu cực?

Tôi nghĩ rằng tiêu cực thì cũng có nhưng là do một số người lách kẽ hở của chính sách để kiếm chác. Tuy nhiên, hiện mình chưa phát hiện ra. Một số nguồn tin nói rằng để đi theo chương trình cấp phép lao động mới, mỗi lao động phải mất 5.000 - 8.000 USD (chi phí thực tế là 700 USD). Điều này là không đúng. Có thể có nơi tiêu cực khiến người dân mất tiền oan, nhưng không phải là phần lớn.

Với những vụ tiêu cực ấy tôi đề nghị báo chí phát hiện và chỉ ra cho Cục Quản lý lao động ngoài nước địa chỉ, dứt khoát chúng tôi sẽ xử lý. Tôi đã ký văn bản đề nghị công an phối hợp điều tra các vụ tiêu cực, rồi trực tiếp mời công an sang Cục làm việc 5-7 lần để xác minh những địa chỉ báo chí nêu. Công an đã đi nhiều, nhưng kết quả không cao vì tội danh này không phải dễ phát hiện.

Trước đề nghị của phía Hàn Quốc, phía VN đã có bước đi thế nào?

Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội của VN đã mời đại sứ Hàn Quốc đến để nói rõ quan điểm của Việt Nam không ủng hộ phương án tuyển chọn lao động qua Internet bởi cách làm này không phù hợp với thực tế ở VN, mỗi nước có một đặc thù riêng.

Xuất khẩu lao động của ta không đơn giản chỉ là hạch toán lỗ lãi, mà còn làm chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo cho những gia đình nông thôn, miền núi. Qua việc tuyển dụng lao động tại các trường nghề sẽ thúc đẩy đào tạo nghề, lĩnh vực đang được nhà nước khuyến khích phát triển.

Sắp tới, sau ngày 10/9, VN sẽ có một đoàn công tác sang đàm phán với bạn. Ta nói rõ 3 mục tiêu, một là tuyển được lao động có chất lượng đi làm việc; hai là chi phí đưa đi phải rẻ nhất; ba là nhà nước phải kiểm soát được. Hai bên tìm được giải pháp nào đáp ứng được 3 mục tiêu đó là tốt nhất.

Theo Như Trang
VnExpress