1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việc trong... tù

Tôi từng ôn thi khối C, ôm mộng trở thành một nhà quản lý xã hội. Tôi trượt đại học và mọi chuyện thay đổi. Tôi chuyển hướng sang một lĩnh vực khác, cũng quản lý nhưng là... quản lý phạm nhân.

20 tuổi với 13 phạm nhân

 

Tốt nghiệp khoá huấn luyện, tôi trở thành một quản giáo tù nhân thực thụ. Trại giam tôi công tác là nơi mà hầu hết phạm nhân vào đó đều đã gây ra những trọng tội, ít phải lĩnh án 7-8 năm, nhiều là vài chục năm tới chung thân cũng không thiếu. Hiếm hoi lắm mới thấy có người “chỉ phải ngồi” 2-3 năm. 20 tuổi, tôi được giao cho 13 “đệ tử” toàn hạng ngang tàng.

 

Ngày đầu tiên vào nghề, dù là đứa con mà bố mẹ đã “bất lực” vì những chiến tích nghịch ngợm, đánh nhau, tôi cũng không thể tưởng tượng được cảm giác lúc đó. Khi tôi nhìn thấy toàn một màu áo sọc kẻ đen trắng với những gương mặt vừa khắc khổ vừa bất mãn, tôi đã nghĩ đến việc bỏ nghề. Nhưng bản lĩnh một thằng con trai không cho phép tôi thực hiện điều đó.

 

Tôi được phân công vào đội sản xuất rau xanh cùng với một người nữa. Đội của chúng tôi có 13 phạm nhân. Mất vài tháng để làm quen với cuộc sống mới, với những hình xăm, những vết sẹo dài, màu áo “đặc trưng” và với lối xưng hô “cháu - ông”, “tôi - cán bộ” hay “con - bác” của những người hầu hết đều “già” hơn mình, có người đáng tuổi bố hay ông tôi.

 

Thực tế - khác xa phim ảnh

 

Tôi đã xem phim nhiều. Có lẽ ảnh hưởng của nó đã góp một phần không nhỏ vào cảm giác “gai người” của tôi khi mới vào nghề. Nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy”, công việc đã cho tôi biết đến một hình ảnh khác xa với những gì tôi từng nghĩ.

 

Những ánh mắt hằn học, gườm gườm trong ngày đầu tiên mà tôi cảm nhận dần biến mất. Những vụ tù nhân bỏ trốn thật “ngoạn mục” trong phim ảnh thì thực tế trong suốt những năm làm nghề này tôi chưa tận mắt chứng kiến một trường hợp tương tự nào. Chỉ nghe kể lại một vụ cách đây lâu lắm rồi, có một phạm nhân giơ cuốc lên định bổ vào đầu quản giáo nhưng... vướng vào giàn mướp nên ý định bất thành. Có lẽ đó là pha “gay cấn” nhất mà chúng tôi được biết.

 

Phạm nhân thường có nhiều mánh khoé, thậm chí rất tinh vi nhưng hiếm khi qua mắt được cán bộ. Thỉnh thoảng chúng tôi lại tìm thấy một vài thứ họ giấu quản giáo mang vào như tú lơ khơ, đá lửa, tiền... nhưng đó là những tội nhẹ, chỉ phải làm bản kiểm điểm cảnh cáo. Những người ở trại lâu năm thì ngày càng “biết điều” hơn.

 

Khi còn đang tập huấn, tôi tin rằng luôn có những cảnh “ma mới bắt nạt ma cũ” hay các “đại ca” kình địch nhau và ngồi nghĩ ra đủ biện pháp để... trị những “kẻ đầu sỏ” đó. Đem ý kiến của mình thảo luận với những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tôi mới vỡ lẽ ra một điều rằng, đó là chuyện... xưa như trái đất. Những kẻ có ý định lập bè kết phái trong trại đều có thể bị dùng biện pháp mạnh như chơi.

 

Rất nhiều phạm nhân đã vào trại, đã được cảm hoá, không phải bằng vũ lực mà bằng lời nói. Những người trẻ thường được quan tâm đặc biệt hơn. Tôi ngỡ ngàng khi đọc nhiều hồ sơ lý lịch, có những người chỉ mới vừa đủ tuổi công dân. Họ là dân tứ xứ với đủ thứ tội mà có ngồi cả ngày, một người bình thường cũng không thể tưởng tượng được. Việc quan trọng nhất mà những người như chúng tôi phải làm là giáo dục tư tưởng cho họ, đúng với nghĩa của từ quản giáo: quản lý và giáo dục. Và không ít người đã thay đổi.

 

Trường hợp làm tôi nhớ nhất là phạm nhân T sinh năm 1986. Lĩnh án 7 năm vì tội cướp giật dây chuyền. Khi đang trong thời gian T thi hành án, ở nhà bố mẹ chia tay nhau, bạn gái coi thường hành động của T nên bỏ cậu. Chán chường, T đòi tự tử. Vì trong trại không có dụng cụ thực hiện nên cậu chàng trèo lên ngọn cây mít đòi nhảy xuống. Mọi người khuyên bảo mãi, dùng mọi lời lẽ ngọt nhạt mới lôi T xuống được.

 

Sau này, T cải tạo rất tốt và ra trại, đã tu tỉnh làm ăn và vẫn thường lên thăm mọi người ở đây. Tôi cũng chẳng còn ngạc nhiên với việc phạm nhân quay về thăm các cán bộ quản giáo mình trước kia. Thậm chí nhiều người còn đưa cả vợ con đi cùng. Mỗi lần như thế, chúng tôi không khỏi xúc động và lại động viên mình phải công tác tốt hơn.

 

Tôi đã chuyển ngành, không còn làm công việc “sống với tù” nữa. Nhưng thời gian đó là những ngày tháng không thể nào quên. Giữa một nơi tưởng chừng như chỉ có mưu mô, thù hằn, căm giận thì lòng nhân ái, tình thương lại là điều mà người ta hay nghĩ đến hơn. Ở đó, những con người vẫn quen bị gọi là “không có tính người” cũng có thể được cảm hoá thành những công dân tích cực cho xã hội. Tôi hạnh phúc vì mình đã làm những điều ý nghĩa đó. 

 

Theo Minh Phương

(Ghi theo tự thuật của một quản giáo trại giam)
Sinh Viên Việt Nam