1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việc ơi, mi ở đâu?

Mấy ngày trời chạy xấc bấc xang bang tìm việc, một cô bạn ngồi lại “kê khai”: tiền trung tâm giới thiệu, tiền xăng xe, điện thoại, giấy tờ, công chứng… vị chi hết hơn triệu đồng bay đứt mà việc làm thì vẫn còn... xa lắm!

Lẽ nào để kiếm được một việc làm tương đối phù hợp với khả năng lại khó khăn và tốn kém đến thế? Bởi hiện nay biết bao nhiêu công ty đăng tuyển nhân viên, các trung tâm mỗi ngày rao tuyển hàng trăm đầu việc, cần gấp hàng ngàn người! Vậy mà...

 

Thực tế hình như có khác, bạn nào từng đi xin việc lại không từng nghe những câu quen thuộc: “đã tuyển đủ người”, “nộp hồ sơ tại đây, công ty sẽ gọi hẹn phỏng vấn sau”, “chúng tôi sẽ gọi lại”... Đại loại là những câu... từ chối!

 

“Nhu cầu tìm việc của người lao động là rất lớn và nhu cầu tuyển dụng của công ty là có thật! Chẳng công ty nào dư tiền và phòng nhân sự nào... rảnh đến mức đăng thông báo tuyển và nhận hồ sơ của ứng viên trong khi không có nhu cầu.

 

Tuy nhiên, bản thân người tìm việc cũng nên tự nhìn lại...” - một nhân viên tuyển dụng của một công ty quảng cáo (Q.Phú Nhuận, TPHCM) cho biết, rồi nói thêm: không phải vô cớ mà một vị trí đòi hỏi hộ khẩu thành phố, có xe máy, giọng miền Nam... hoặc tuyển lao động phổ thông yêu cầu ăn ở lại. Vậy mà vẫn có rất nhiều ứng viên (hoặc các trung tâm) “lờ” đi.

 

Một chủ nhà hàng ở Q.1, TPHCM nêu nhận xét: “Nhiều lao động tỉnh khi được các trung tâm giới thiệu đến đây với bộ dạng nhếch nhác, hành lý lỉnh kỉnh (vì mới xuống xe đò) trong khi một mẩu giấy tờ tùy thân cũng không có! Như vậy làm sao chúng tôi dám nhận?”.

 

Thất nghiệp, nôn nóng có ngay một việc làm bằng bất cứ giá nào, nhiều bạn đã lao đi tìm việc, không có cả thời gian suy nghĩ: công việc đó có phù hợp với mình không, và không hiếm bạn “quên” luôn mục tiêu ban đầu (tìm việc phù hợp chuyên ngành học, môi trường làm việc...). Một nhà tuyển dụng tinh ý sẽ nhận biết được và loại ngay những ứng viên này. Không nên nghĩ rằng cứ rải hồ sơ khắp nơi, cuộc phỏng vấn nào cũng có mặt là “chắc ăn” như nhiều ứng viên vẫn lầm tưởng!

 

Thất bại nhiều lần (trong đó có cả những “thất bại ảo” - vị trí đó ứng viên không tha thiết nhưng vẫn đến phỏng vấn vì hiện tại chưa có việc nào phù hợp hơn; hoặc lỡ nộp tiền cho các trung tâm, đi cho “đáng đồng tiền bát gạo”!) sẽ không tránh khỏi cảm giác chán nản, coi thường cơ hội thật, dẫn đến việc ứng viên không chú ý đầu tư cho những cuộc phỏng vấn quan trọng... Một cái vòng luẩn quẩn mà theo những nhà phân tích thị trường lao động là “cung - cầu chưa gặp nhau!”.

 

Có lẽ để sớm “gặp” được nhau, ngoài việc nhà tuyển dụng thông thoáng hơn thì bản thân người lao động cũng phải tự mình đánh giá trình độ, năng lực cũng như nên sàng lọc, cân nhắc thông tin, có chiến lược rõ ràng. Không nên tìm việc theo kiểu được chăng hay chớ rất dễ tiền mất tật mang!

 

Theo Tần Vy
Tuổi Trẻ