Vì sao doanh nghiệp được giảm hoặc miễn thuế nhưng chỉ tạm dừng đóng BHXH?
(Dân trí) - Trong dịch Covid-19, doanh nghiệp đủ điều kiện được giảm, miễn thuế. Tuy nhiên với kinh phí bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp chỉ được tạm dừng đóng? Điều này được đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) lý giải.
Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) được xây dựng trên “nền” của quan hệ đóng - hưởng.
Ông Giang đơn cử, người lao động vô tình bị tai nạn lao động khi đang làm việc. Nếu doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động thì chi phí sẽ do ai chi trả? Đặc biệt là những thương tật nặng, cần chi trả suốt đời?
Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải tự bỏ khoản tiền lớn hơn mức đóng BHXH để hỗ trợ cho người lao động. Việc chi trả này không có sự hỗ trợ của Quỹ BHXH do Nhà nước quản lý.
“Về nguyên lý, thuế là quan hệ 2 bên giữa nhà nước và đối tượng đóng (trường hợp này là doanh nghiệp). Nhưng nguyên lý của BHXH là quan hệ 3 bên: Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, doanh nghiệp tham gia BHXH chính là vừa lo cho lợi ích của mình và người lao động” - ông Giang nói.
Việc thực hiện BHXH cũng chính là đảm bảo quyền lợi của 3 bên. Ông Phạm Trường Giang khẳng định: “Sẽ không có trường hợp miễn, giảm đóng BHXH mà chỉ có thể tạm dừng đóng BHXH".
Đề xuất cho kéo dài dừng đóng BHXH lên 12 tháng
Theo ông Phạm Trường Giang, việc dừng đóng BHXH có thể “nới” tối đa từ 6 tháng lên 12 tháng. “Xin đơn cử, số tiền tạm dừng đóng BHXH của doanh nghiệp đang là 1.500 tỷ đồng với thời gian 6 tháng, nếu kéo thành 12 tháng, số tiền có thể tăng lên gấp đôi…”.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp gặp khó do Covid-19 khi đủ điều kiện sẽ được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Đây là 2 thành phần lớn nhất trong Quỹ BHXH, chiếm tới 22 % mức tiền lương hàng tháng của người lao động.
Vụ trưởng Vụ BHXH giải thích thêm, theo NQ 42/2020/NQ-CP và Công văn 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 4/5/2020, có nêu doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, khi đủ điều kiện có thể tạm dừng đóng BHXH tới 6 tháng và tối đa là 12 tháng, theo quy định của Luật BHXH.
“Do đó, không có chuyện doanh nghiệp chỉ được tạm dừng đóng BHXH trong 2 tháng 4 và 5” - ông Phạm Trường Giang bổ sung.
Theo Vụ BHXH, tính tới ngày 26/6, tổng số lao động được tạm dừng đóng BHXH là gần 130.000 lao động với số tiền tương ứng tạm dừng đó là khoảng 500 tỉ đồng, gần 1.500 doanh nghiệp được dừng.
“Dự báo tới cuối năm 2020, số lao động có thể lên tới 1 triệu lao động được tạm dừng đóng lên tới 1 triệu người, tương ứng tới số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Đó là sự chia sẻ của nhà nước tới doanh nghiệp” - ông Giang giải thích thêm.
Bên cạnh việc tạm dừng đóng BHXH do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp không phải đóng số tiền chậm lãi tương ứng với số tiền tạm dừng như trên. “Vậy số tiền chậm lãi chính là sự chia sẻ của Nhà nước” - Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết.
Tuy nhiên, trường hợp không đóng BHXH vẫn có thể xảy ra trong trường hợp hy hữu. Ông Phạm Trường Giang giải thích, Luật BHXH đã quy định, căn cứ đóng BHXH là tiền lương. Trong trường hợp, doanh nghiệp không có doanh thu và người lao động không có tiền lương thì người lao động và doanh nghiệp không phải đóng BHXH trong giai đoạn này.
Đơn giản hoá thủ tục tạm dừng đóng BHXH
Theo ông Phạm Trường Giang, thủ tục tạm dừng đóng BHXH do khó khăn của Covid-19 đã được đơn giản hơn: “Nếu như quy định trước đây, doanh nghiệp phải trình hồ sơ xin tạm dừng đóng cho Sở LĐ-TB&XH xem xét. Nếu đủ điều kiện, Sở sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan BHXH tỉnh. Nhưng theo hướng dẫn của Công văn 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 4/5/2020, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ xin tạm dừng đóng BHXH tới trực tiếp cơ quan BHXH để phê duyệt…”.
Hoàng Mạnh