Hà Tĩnh:

Về xã có hàng trăm người dân từng làm nghề... "tay gậy tay bị"

Tiến Hiệp

(Dân trí) - Hàng chục năm trước, người dân xã Hậu Lộc "tay bị tay gậy" đi ăn xin khắp tứ xứ. Hôm nay, cuộc sống vùng đất ấy đã khấm khá nhưng khi nhắc lại trong lòng họ vẫn còn hằn sâu những câu chuyện buồn.

Ký ức buồn của làng... ăn xin

Trước đây, nhắc đến xã Hậu Lộc (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) người ta thường nói tới "xã cái bang", "xã ăn xin" hay "người Hậu đùm" bởi có những thời điểm ở xã này: Người người, nhà nhà đều kéo nhau đi ăn xin.

Với các bậc cao niên ở địa phương này, họ không phủ nhận về quá khứ mang nhiều "tiếng xấu" nhưng mọi thứ đều xuất phát từ cái đói. Theo các cụ, xưa kia Hậu Lộc là một xã nghèo nhất của huyện Can Lộc.

Là xã vùng trũng, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không có. Cộng với đó thường xuyên gặp bão lũ thiên tai, mùa nắng thì ruộng khô nứt nẻ, mùa mưa nước ngập trắng đồng.

Về xã có hàng trăm người dân từng làm nghề... tay gậy tay bị - 1

Cụ Nguyễn Thị Quỳ kể về khoảng thời gian người dân xã Ích Hậu bôn ba tứ xứ xin ăn để thoát đói.

Đỉnh điểm từ những năm 1978 -1984, Ích Hậu liên tiếp hứng chịu nhiều đợt hạn hán ruộng đồng khô cằn, đất đai nhiễm mặn, cỏ cây xơ xác. Hết nắng hạn đến bão lũ liên miên khiến nhà cửa tiêu điều. Cái đói "rụng rời" đã khiến nhiều người phải rời xóm, rời làng đi ăn xin khắp tứ xứ.

Những ký ức về nạn đói thời điểm ấy cho đến tận bây giờ cụ Nguyễn Thị Quỳ (90 tuổi, thôn Lương Trung) vẫn nhớ như in. Cụ kể, mỗi ngày cụ cùng nhiều người trong xóm dậy từ 3-4h sáng để xin gạo về cứu đói cho gia đình.

Mỗi lần cụ đi xin về đến nhà đều đã nửa đêm nhưng những đứa con nheo nhóc vẫn thức chờ cụ để có cái bỏ vào bụng.

Bà Nguyễn Thị Tý kể về nỗi buồn theo làng đi ăn xin

"Lần đầu thì một vài người đi, sau đó dân làng thấy họ đi xin về có ăn thoát đói nên lũ lượt kéo theo, giàu nghèo gì cũng đi hết. Gia đình tôi thời điểm đó có 8 miệng ăn, con cái nheo nhóc, đói khát lay lắt, thấy họ đi xin về thì đến vay mượn họ được 1kg gạo mà họ mắng là không biết đi mà xin ăn rồi tôi cũng bấm bụng đi theo" - cụ Quỳ nhớ lại.

Cũng theo cụ Quỳ, mỗi chuyến đi xin may mắn thì xin được vài yến gạo. Có những người không may gặp phải cướp dọc đường thì chuyến đi ấy mất trắng, có khi còn bỏ mạng xứ người.

Về xã có hàng trăm người dân từng làm nghề... tay gậy tay bị - 2

Bà  Nguyễn Thị Tý cho biết, bản thân và nhiều người khác vẫn mang một nỗi buồn từ việc đi ăn xin của ngày xưa.

Còn đối với bà Nguyễn Thị Tý (72 tuổi, thôn Trung Lương) thừa nhận rằng việc đi xin ăn đã cứu lấy cuộc sống cả gia đình nhưng cho đến tận bây giờ, trong sâu thẳm bà vẫn còn một nỗi buồn mỗi lần nhắc đến.

"Khoảng giữa năm 1978, 4 đứa con tôi còn nhỏ, thương con đói khát nhưng chồng là Đảng viên hơn 20 năm đi bộ đội về nên không cho tôi theo làng đi ăn xin. Cực chẳng đã, tôi trốn đi và rồi ông ấy bị kỷ luật. Với bản chất người bộ đội thời đó, kỷ luật là một nỗi đau quá lớn đối với ông, đến những năm cuối đời, ông vẫn không thể quên nỗi đau ấy.", bà Tý ngấn nước mắt.

Ông Nguyễn Sơn Quân - Chủ tịch UBND xã  Ích Hậu thừa nhận, trước đây bố ông Quân là Bí thư Đảng ủy xã Hậu Lộc, ông từng nghe bố nói về nhiều đảng viên có vợ con đi ăn xin mà họ bị kỷ luật. Đau lòng nhất là những đảng viên từng có nhiều năm đi bộ đội trở về quê, vì cái nghèo cái đói mà sau này họ chịu quá nhiều thiệt thòi.

Giã từ bị gậy, chọn xuất khẩu lao động làm giàu

Về "xã cái bang" hôm nay, khắp đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, hàng rào kiên cố, nhà cửa cao tầng san sát. Diện mạo của xã nghèo không ngừng thay đổi, đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhà nhà rộn ràng niềm vui ký ức nghèo đói, ăn xin đã chỉ còn là dĩ vãng.

Về xã có hàng trăm người dân từng làm nghề... tay gậy tay bị - 3

Ngôi làng nhiều người đi ăn xin nhất xã Ích Hậu hồi xưa giờ đã thành làng văn hóa khang trang.

Ông Trần Xuân Long (70 tuổi, thôn Bắc Kinh) cho biết, những năm 1995 người dân được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, nhắc nhở thường xuyên. Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, dần dần có của ăn của để nên ít năm sau đó người dân đã bỏ hết nghề đi ăn xin.  

"Gia đình tôi cũng có 2 con đi làm việc theo hợp đồng ở Đài Loan, thu nhập gần 20  triệu đồng/tháng. Ngoài ra, từ khi có chính sách xây dựng nông thôn mới, vợ chồng tôi và người dân trong xã cải tạo vườn tược, chăn nuôi lợn gà mang lại thu nhập ổn định, không còn lo cái nghèo cái đói. Gần 30 năm rồi, ở xã này không còn người đi ăn xin nữa đâu.", ông Long phấn khởi nói.

Về xã có hàng trăm người dân từng làm nghề... tay gậy tay bị - 4

Cuộc sống người dân xã Ích Hậu nay khá giả, nhà cao tầng mọc lên san sát.

Còn bà Vương Thị Lý (65 tuổi, thôn Thống Nhất) không giấu nổi niềm vui khi sắp được đón Tết trong căn nhà 2 tầng khang trang từ tiền của các con đi xuất khẩu lao động gửi về.

Năm 2011, nhờ chính sách của các ngành chức năng hỗ trợ cho con đầu của tôi đi học tiếng để đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, nay có điều kiện, nó đưa thêm 2 đứa em cùng đi. Thế hệ các cháu sau này học hành rồi đi làm, đi lao động ở nước ngoài, các vùng kinh tế chứ ăn xin như chúng tôi không bao giờ có nữa, chuyện đó đã lùi vào dĩ vãng lâu rồi."

Ông Nguyễn Sơn Quân - Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết, sau một thời gian nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, năm 2015 Ích Hậu đã về đích NTM và đang hướng tới phát triển bền vững.

Về xã có hàng trăm người dân từng làm nghề... tay gậy tay bị - 5

Khắp đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa sạch sẽ. Nhà cửa, hàng rào của người dân kiên cố.

"Toàn xã có hơn 1.000 lao động ở Thái Lan, 400 lao động ở Nhật Bản và Hàn Quốc, 200 lao động ở Đài Loan và nhiều lao động ở các khu kinh tế trong nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 36 triệu đồng/năm, nguồn thu nhập nông nghiệp chỉ chiếm 30%, còn lại là dịch vụ và các ngành nghề khác.", ông Quân phấn khởi nói.