Thanh Hóa:

Về làng hương 500 năm tuổi ngày cận Tết

(Dân trí) - Về thôn Quyết Thắng (xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) những ngày cận Tết, du khách dễ cảm nhận thấy một mùi hương thơm lan tỏa khắp xóm làng. Nhiều hộ gia đình đang tất bật sản xuất hương phục vụ dịp Tết Đinh Dậu và mùa lễ hội năm 2017.

Theo các cụ cao niên trong làng thì nghề làm hương bài Bái Hạ (thôn Quyết Thắng) được hình thành từ năm 1515, trên đất làng Giãn Hiền, xã Vạn Thắng. Qua thời gian, làng nghề ngày càng bị mai một, đến năm 1815 được cụ Vũ Đình Phạm truyền cho các con là ông Vũ Đình Nguyên và Vũ Đình Ca. 500 năm hình thành và phát triển, nghề làm hương bài được làng Quyết Thắng gìn giữ, phát triển như “báu vật”.

Quy trình cho ra một que hương vô cùng tỉ mỉ
Quy trình cho ra một que hương vô cùng tỉ mỉ

Để có được những cây hương mang mùi thơm đặc biệt, những người làm hương phải cầu kỳ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương đến công đoạn quấn hương để tạo thành sản phẩm hoàn thiện. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, có những lúc tưởng như làng nghề này đã thất truyền thế nhưng bằng sự yêu nghề, những người con Quyết Thắng vẫn lưu giữ được cho đến bây giờ.

Làng hương này chỉ nhộn nhịp vào những dịp cuối năm bởi sản phẩm bà con làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu thờ cúng tổ tiên, nhất là dịp Tết, lễ.

Về thôn Quyết Thắng những ngày này, khắp các đường làng, ngõ xóm, hương được rải đều tăm tắp trên giá phơi, đâu đâu cũng nghe thoảng mùi hương. Nét độc đáo của làng nghề này là việc làm hương đều bằng phương pháp thủ công, quy trình cho ra một que hương cực kỳ tỉ mỉ, các nguyên liệu chủ yếu là tre, nứa, nhựa cây trám, rễ, thân cây bài, than hoa… được lấy từ tỉnh Bắc Giang và huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Nhựa cây trám sau khi mua về sẽ được nấu lấy tinh dầu rồi đổ vào than pha chế tạo thành nhựa để xe vào que tre, nứa đã làm sẵn. Bước tiếp theo là lăn tăm hương qua bột cây bài để tạo thành cây hương thành phẩm rồi mang phơi khô.

Nghề làm hương ở Vạn Thắng đã tồn tại 500 năm tuổi
Nghề làm hương ở Vạn Thắng đã tồn tại 500 năm tuổi

“Loại hương này độc đáo vì có mùi rất thơm từ thân và rễ của cây bài kết hợp với mùi nhựa cây trám nên được người dân rất ưa chuộng” - bà Nguyễn Thị Duyên, một người làm hương, chia sẻ

Ông Nguyễn Văn Dân, chủ một cơ sở hương có thâm niên cho biết: “Nghề làm hương gia truyền của làng chỉ tất bật dịp cuối năm, mức tiêu thụ cao nhất vào các ngày lễ, ngày rằm, đặc biệt là dịp tết. Như gia đình nhà tôi thì làm hương cả năm nhưng hàng để phục vụ cho dịp Tết nguyên đán thì bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, chúng tôi đã tập trung nhân lực, nguyên liệu để làm hàng”.

“Nghề làm hương đã giúp gia đình tôi có cuộc sống khá ổn định, hơn 20 năm qua nghề này đã giúp tôi nuôi hai đứa con ăn học nên người, xây dựng được nhà cửa, mua sắm đồ đạc trong gia đình… Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết, có nhiều mối đặt hàng nên phải thuê nhân công gấp đôi ngày thường”.

Về làng hương 500 năm tuổi ngày cận Tết - 3
Hàng nghìn bó hương gia truyền Vạn Thắng chuẩn bị ra thị trường phục vụ Tết nguyên đán
Hàng nghìn bó hương gia truyền Vạn Thắng chuẩn bị ra thị trường phục vụ Tết nguyên đán

Cơ sở nhà ông Dân được cho là cơ sở làm hương lớn nhất làng Bái Hạ. Ông bảo, ông rất “mê” nghề làm hương nên mới duy trì, phát triển thành nghề chính của hai vợ chồng.

“Ban đầu đi học lỏm các bậc tiền bối trong làng với mong muốn bán hương kiếm ít tiền tiêu Tết. Sau thấy nghề này cho thu nhập khá cao nên tôi bám trụ luôn”, ông Dân chia sẻ.

Theo tính toán của ông Dân, mỗi ngày cơ sở của ông SX được 1,5 - 2 vạn que hương/4 lao động. Hầu hết hàng hóa xuất bán vào những tháng gần Tết Nguyên đán (từ tháng 10 -12 âm lịch), bình quân mỗi tuần xuất 1 xe, tương đương 1 nghìn bó (100 que/bó). Giá bán hương tùy thuộc vào chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, nhưng cao nhất 30.000đ/bó, và thấp nhất 15.000đ/bó.

“Tính ra 1 vạn que chúng tôi bán với giá 3 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 800 - 900 nghìn đồng. Quanh năm làm hương thu nhập của gia đình tôi cũng được hơn 200 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với làm ruộng và các ngành nghề khác”- ông Dân tiết lộ.

Ngoài hộ ông Dân, làng Quyết Thắng còn có nhiều hộ duy trì nghề làm hương bài từ đời ông cha đến con cái như hộ ông Nguyễn Đức Căn, anh Vũ Đình Long, Ngô Thọ Biên, Lê Văn Viên…

Cũng theo ông Dân, làm hương không giàu nhanh được nhưng nó cho thu nhập đều, ổn định, nếu có thị trường tốt thì người dân địa phương sống khỏe với nghề. “Mấy năm nay hương công nghiệp ra đời ồ ạt, sản phẩm đa dạng, giá rẻ hơn nên cũng gây không ít khó khăn cho thị trường tiêu thụ. Hiện nay, bà con vẫn chủ yếu sản xuất hương phục vụ trong mấy tháng Tết chứ chưa chú trọng sản xuất đại trà, trong xã chỉ có gia đình tôi và một vài hộ sản xuất được quanh năm thôi. Vì thế mà hình ảnh và thương hiệu làng hương Bái Hạ vẫn chưa vang xa được” - ông Dân băn khoăn.

Ông Đồng Minh Quân, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, cho biết làng nghề hương bài Bái Hạ đã tồn tại hàng trăm năm nhưng hiện vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công, manh mún, nhỏ lẻ nên vẫn chưa phát triển ổn định.

“Để làng nghề tiếp tục được lưu giữ và xây dựng thành thương hiệu, chúng tôi đã làm đề án trình UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận làng nghề và đã được đồng ý” - ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận quy hoạch, xây dựng cụm làng nghề hương để cứu làng hương bài Bái Hạ tránh nguy cơ bị thất truyền, xóa sổ. Tới đây những cơ sở sản xuất trong khu dân cư sẽ được di dời hết ra đây nhằm hình thành một cụm làng nghề tập trung, chuyên nghiệp.

“Hiện thôn Quyết Thắng có khoảng 200 hộ dân, trong đó có hơn 70 hộ làm nghề hương thường xuyên và hàng chục hộ sản xuất theo thời vụ. Việc làm hương bài không chỉ cho thu nhập ổn định mà còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động lúc nông nhàn, kể cả người già và trẻ em cũng có thể làm được”- ông Quân cho biết thêm.

Nguyễn Thùy