Vài kết quả khảo sát thú vị ở công sở

(Dân trí) - Một trang web hàng đầu về tuyển dụng trực tuyến tại Mỹ <i>TheLadders.com</i> đã tổ chức các cuộc khảo sát về các tình huống nơi công sở. Kết quả của những cuộc khảo sát này cho ta nhiều điều thú vị và bất ngờ.

1. Chủ động tìm hiểu giá trị của bạn trong công sở

 

Trong lúc nhiều công ty đang tiến hành “đo lường” giá trị của mình thì bản thân bạn, một nhân viên, có biết giá trị của bạn tại công ty như thế nào không? Giá trị của bạn không chỉ là đòn bẩy thúc bạn “nâng lương” cho mình mà còn giúp bạn tự nhận biết vị trí của mình trong công ty.

 

Một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhân sự cho rằng: Thật ngạc nhiên, những cuộc đàm luận giữa nhân viên và các nhà quản lý xung quanh hiệu quả công việc là rất thấp. “Tôi nghĩ rằng một phần trách nhiệm của các sếp phải là giải thích cho mọi người biết sự đóng góp của họ vào thành công chung của cả bộ máy. Nhưng nếu các sếp không quan tâm chuyện này, hãy đi hỏi họ”.

 

Nếu bạn không hiểu hết giá trị những việc mình làm hoặc không biết rõ vai trò của mình trong các hoạt động của công ty, điều đó đồng nghĩa bạn đã tự hạ thấp “giá trị” của mình - chuyên gia kết luận.

 

2. Giám đốc điều hành (CEO) mới đến, chuyên viên cao cấp nên đi

 

Năm 2005, khi biết tin công ty mình vừa tuyển giám đốc điều hành mới, một chuyên viên công nghệ cao cấp tự hỏi: “Liệu mình có bị xem như là một trong những “thuộc hạ” của vị giám đốc điều hành trước đây không nhỉ?”. Anh ta cũng nhận thức rõ rằng: những vị lãnh đạo mới thường mang theo cả đội ngũ nhân viên của riêng họ.

 

Nhiều nhân viên cấp cao thường phải đối mặt với tình trạng tương tự khi một giám đốc điều hành mới đến. Một nghiên cứu trên tờ Harvard Business Review chứng minh rằng: Sẽ luôn có sự thay đổi về cách quản lý nhân viên cao cấp sau khi có sự thay đổi CEO mới.

 

Một trong những bước quan trọng nhất là phải xác định bạn có muốn ở lại hay không. Nếu một chuyên viên cấp cao hoàn toàn bất đồng với chiến lược hoặc phong cách của vị CEO mới thì anh ta nên tìm một việc làm khác là giải pháp tốt nhất. Các chuyên gia về nhân sự khuyên bạn: “Hãy quyết định ngay trong 30 ngày đầu tiên”. Ông còn cho biết thêm: “Bạn sẽ chẳng làm được gì hay cho bản thân mình và cả vị CEO mới nếu bạn cứ lưỡng lự, nửa muốn đi nửa muốn ở lại”.

 

3. Trang phục trong công sở: Đồ vest là “chuyên nghiệp” nhất

 

Theo khảo sát trên TheLadders.com, những người có thói quen mặc đồ vest đến công sở sẽ “đánh bóng” hình ảnh của mình chuyên nghiệp nhất. 70% trong tổng số 2.200 người tham gia đợt khảo sát này cho biết: nhân viên mặc đồ vest trông “cao cấp” hơn hẳn và khoảng 60% cho rằng: trang phục đồ truyền thống làm tăng sự nghiêm túc của nhân viên. Cuộc khảo sát còn cho một kết quả thú vị khác, 27% cho rằng: nhân viên mặc đồ kín đáo thường là những người cứng rắn, khắt khe trong khi 16% cho biết đó là những người ít sáng tạo.

 

Theo khảo sát có tới 70% nhân viên cho rằng trang phục có thể giúp họ giữ đúng hình ảnh của mình, nghĩa là tôi thế nào, sẽ ăn mặc như thế ấy. Tôi đồng ý điều đó. Chứng tỏ mình qua trang phục, dù trong môi trường làm việc hay vui chơi, cũng có thể giúp bạn gia tăng lòng tin, năng lực với mọi người.

 

4. Tin vui cho các ông bố

 

Bạn dành thời gian cho con cái càng nhiều, bạn càng xuất sắc trong công việc. Có đến 79%  người công nhận rằng việc làm cha sẽ giúp họ ngày càng “chuyên nghiệp” hơn trong công việc. Những người này đã dành thời gian chơi với các con nhiều hơn so với các ông bố của họ dành cho họ trước đây. 31% cho biết họ sẵn sàng dẫn con theo trong các chuyến nghỉ mát của công ty và hơn thế nữa, các nhân viên này thừa nhận là khi đi làm, họ luôn giữ liên lạc với con cái: 75% sử dụng điện thoại di động và 56% viết email.

 

Thậm chí họ còn tìm mọi cách để “gần gũi” với gia đình ngay khi ở công sở bằng cách đem cả ảnh vợ-con đặt trên bàn làm việc và cài hình ảnh của họ trên máy vi tính.

 

5. Tình yêu trong công sở

 

Tình yêu vĩnh cửu là điều vinh quang nhất trong cuộc đời này. Thế nhưng đó là chuyện của những thế kỷ trước, của thời kỳ “Romeo và Juliet”. Ngày nay người ta dần chấp nhận thực tế là tình yêu đã mỏng manh, dễ vỡ và vội vàng hơn. Thậm chí có kẻ còn kết luận: “Khi tôi không thể gần người tôi yêu, tôi sẽ yêu người ở gần tôi”.

 

Ái chà ! Liệu sẽ có những mối tình trong công sở không khi các đồng nghiệp luôn ở gần nhau và điều đó có phát sinh rắc rối?

 

Nhân ngày Valentine năm nay, TheLadders.com đã thực hiện đợt khảo sát trên những người có thu nhập cao. Kết quả cho thấy: 68% thừa nhận họ đã phải lòng đồng nghiệp nhưng chỉ ở mức “ngoại tình trong tư tưởng” và 42% cho rằng đã từng “dan díu” tình cảm trong công sở. Trong số đó, 17%  đổ thừa hoàn cảnh khi cho rằng sự gần gũi đã làm lay động họ. Sự nguy hiểm phải chăng là ở chỗ đấy?

 

Chuyên san Trí Tri