1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ứng viên rớt tuyển đòi lại hồ sơ, "bêu" nhà tuyển dụng gây tranh cãi

Hoài Nam

(Dân trí) - Muốn xin lại hồ sơ xin việc sau khi rớt tuyển, ứng viên "bốc phốt" thái độ người phụ trách nhân sự nhưng cuối cùng lại "phốt" chính mình.

Tình huống trong tuyển dụng này được chia sẻ trên một diễn đàn về nhân sự kéo theo cuộc tranh cãi nảy lửa với hàng ngàn lượt comment và share.

Theo chia sẻ của ứng viên, HR (phụ trách nhân sự) có thái độ ngang ngược khi mình nhắn tin xin lấy lại hồ sơ sau khi đã rớt tuyển. 

Ứng viên rớt tuyển đòi lại hồ sơ, bêu nhà tuyển dụng gây tranh cãi - 1

Tình huống ứng viên xin lại hồ sơ sau khi rớt tuyển gây tranh cãi (Ảnh minh họa).

Qua màn hình chụp lại tin nhắn do ứng viên đưa lên, HR phản hồi lại rằng, hồ sơ nộp vào rất nhiều nhưng công ty chỉ tuyển dụng hai nhân viên, họ không thể gọi từng người thông báo khi hồ sơ không đạt. Thông tin tuyển dụng không ghi "không hoàn trả hồ sơ" nhưng cũng không ghi "sẽ hoàn trả hồ sơ không đạt". 

Phụ trách nhân sự cũng phản hồi, từ trước đến nay công ty nhận nhiều hồ sơ ứng tuyển của cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ... nhưng chưa ai từng đòi lại hồ sơ. Đi kèm đó, HR hẹn thời gian để ứng viên nếu muốn nhận lại hồ sơ thì ghé công ty để lấy.

Trong đoạn chụp lại màn hình, những tin nhắn hồi âm của nhà tuyển dụng được ứng viên thả icon mặt cười. 

Ứng viên rớt tuyển đòi lại hồ sơ, bêu nhà tuyển dụng gây tranh cãi - 2

Ứng viên "post" bài, bêu nhà tuyển dụng khi xin lại hồ sơ.

Thế nhưng ngược với nội dung "bốc phốt" nhà tuyển dụng của ứng viên, người đăng bài này nhận lại hàng ngàn bình luận cho rằng... ứng viên mới là người "có vấn đề". Hầu hết, hồ sơ nộp khi xin việc chỉ là các bản phô-tô, không phải bản công chứng hay bản gốc nên việc xin lại là không cần thiết. 

Trải qua hàng chục lần nộp hồ sơ xin việc và hiện đang phụ trách nhân sự tại công ty điện máy ở quận Gò Vấp, TPHCM, chị Phan Thúy Ngọc cho biết, phần lớn các công ty đều không có quy định chủ động trả lại hồ sơ cho ứng viên không đạt. Vậy nên, khi nộp hồ sơ, ứng viên chỉ nên nộp bản phô tô. 

"Còn ứng viên muốn nhận lại hồ sơ thì liên lạc với HR. Trong tình huống trên, bạn phụ trách nhân sự phản hồi rất rõ ràng, đẩy đủ mà ứng viên lại đi "bốc phốt" nhà tuyển là ngang ngược, hãm....", chị Ngọc bày tỏ. 

Chị Ngọc cũng đưa thêm góc nhìn cảm thông cho bạn ứng viên có thể bạn mất công đi làm hồ sơ, thêm tâm trạng hụt hẫng khi không trúng tuyển... Vậy nhưng, bạn rất cần một thái độ tích cực, tinh thần học hỏi và hợp tác hơn với mọi người, nhất là trong công việc. 

Rất nhiều ý kiến cho rằng ứng viên này háo thắng. Bạn đi "phốt" người khác nhưng lại đang tự "bêu" chính mình khi phơi bày thái độ chưa ổn trong tuyển dụng của mình như đòi lại hồ sơ, có thái độ cợt nhả, thiếu tôn trọng người khác khi trao đổi rồi cả chuyện lôi lên mạng chuyện không đáng... 

"Khi doanh nghiệp cần người, họ thường sẽ lật lại hồ sơ của những ứng viên đã từng nộp hồ sơ và chưa trúng tuyển trước đó. Với cách hành xử này, ứng viên thêm một lần tước mất cơ hội của mình", Lê Minh Đức, 29 tuổi, nhân viên truyền thông ở Quận 1, TPHCM bày tỏ. 

Có khi "ngựa non háu đá", mình vô tình làm hại chính mình mà không hề hay biết. Nhiều người chân thành khuyên bạn ứng viên nên xóa bài, đừng để lộ thêm thông tin cá nhân, cẩn thận vào blacklist (danh sách đen) của các nhà tuyển dụng chỉ vì một bộ hồ sơ thì sau này rất khó xin việc. 

Ứng viên rớt tuyển đòi lại hồ sơ, bêu nhà tuyển dụng gây tranh cãi - 3

Nhiều người cảnh báo ứng viên cẩn thận vào backlist.

Ngay trong các phản hồi, nhiều nhà tuyển dụng cho biết sẽ từ chối những ứng viên như thế này. 

Kỹ năng, cách hành xử, thái độ của ứng viên khi tham gia thị trường lao động là vấn đề được nói suốt, nói mãi từ lâu nay. Điều này không chỉ thể hiện khi ứng viên nộp hồ sơ mà còn cả trong quá trình hậu tuyển dụng, khi trúng tuyển hoặc không. Cách ứng xử đó phản ánh con người, tính cách, trình độ, văn hóa của mỗi người...