Trồng tre không ngờ lấy lá bán cho Hàn Quốc, Nhật Bản lại đắt hàng
Không chỉ là một vị thuốc quý trong Đông y, lá tre còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lá tre đã tăng 300%.
Xuất khẩu lá tre tăng đột biến
Lá tre hiện là mặt hàng nông sản để xuất khẩu thu ngoại tệ. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu lá tre trong tháng 2/2023 đạt 133.000 USD, tăng tới 1149,9% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu lá tre đạt 203.000 USD, tăng 302,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, các loại lá chuối, lá tre, lá chanh ở Việt Nam rất phổ biến, giá bán rất rẻ. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay châu Âu, những loại lá này rất hiếm, giá đắt đỏ mà nhiều khi không mua được.
Trong đó, lá tre vốn được người tiêu dùng Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng vì chúng dùng để gói bánh, gói thực phẩm hay trang trí thức ăn. Lá tre xuất khẩu phải là loại lá to, là giống tre bát độ hoặc bương, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên và phải có màu xanh tươi, không được rách.
Hiện, giá lá tre tươi xuất khẩu khoảng 10.000 đồng/kg, cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ.
Được biết, trên các trang thương mại điện tử như Alibaba, Shopee…, có thời điểm lá tre của Việt Nam được bán với giá 3-5 USD/kg.
Công dụng của lá tre
Lá tre của cây tre thuộc họ cỏ, lớp thực vật một lá mầm. Để làm thuốc người ta thu hái lá tre khi phiến lá chưa mở hết, màu xanh mởn. Dùng tươi hoặc khô với tên thuốc là trúc diệp.
Theo Đông y, lá tre (trúc diệp) có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lành, vào các kinh: tâm phế, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu giảm sốt. Ngoài ra, có thể dùng lá tre cùng với một số lá có tinh dầu, cho mùi thơm, như lá sả, lá hương nhu, bạc hà, khuynh diệp… làm thuốc xông hơi trị cảm mạo.
Ngoài ra, lá tre còn có mặt trong các bài thuốc chữa viêm phế quản cấp tính (Trúc diệp 12g, thạch cao 16g, tang bạch bì 12g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, hoài sơn 12g, lá hẹ 8g. Sắc uống trong ngày); chữa viêm thanh quản, mất tiếng (Trúc diệp 12g, trúc như 12g, tang bạch bì 12g, thổ bối mẫu 10g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, nam tính chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang).
Lá tre còn có tác dụng chữa viêm bàng quang cấp tính (Trúc diệp 16g, sinh địa 12g, mộc thông 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 6g, đăng tâm 6g sắc uống trong ngày); chữa sởi ở thời kỳ đang mọc (trúc diệp 20g, sài đất 16g, sắn dây 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống trong ngày); chữa thủy đậu (trúc diệp 8g, liên kiều 8g, cát cánh 4g, đạm đậu sị 4g, bạc hà 2g, sơn chi 2g, cam thảo 2g, hành tằm 2 củ. Sắc uống ngày 1 thang).
Lá tre cũng có tác dụng chữa tăng huyết áp; kiết lỵ kinh niên; cảm sốt, miệng khô khát;...