Tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp thường vượt cấp
(Dân trí) - “Phần lớn các vụ tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp đều bỏ qua hòa giải mà khiếu nại thẳng cơ quan nhà nước đã khiến cho sự việc càng trở lên phức tạp hơn. Thậm chí, quyền lợi của người lao động cũng không được bảo vệ”.
Đó là thực tế được Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân đưa ra tại “Hội thảo ba bên thúc đẩy hoạt động giải quyết tranh chấp lao động ngoài tòa án ở Việt Nam tổ chức ngày 20/4, tại Hà Nội.
Ông Mai Đức Thiện, Phó trưởng phòng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB-XH) đưa ra nhận xét hiện vai trò của Hội đồng hòa giải trong các vụ tranh chấp lao động quá mờ nhạt. Ông Thiện đưa ra thực tế, theo điều tra năm 2009, các chuyên gia ngành lao động phát hiện rằng, hơn 80% DN có công đoàn cơ sở nhưng có khoảng 67% DN thành lập Hội đồng hòa giải này. Song, lo ngại hơn cả, phần lớn chuyên gia hòa giải đều không thể làm tròn trách nhiệm, do không có nghiệp vụ chuyên môn, nhất là kiến thức về pháp luật. Vì vậy chưa giải quyết được vụ tranh chấp tập thể nào, chỉ lác đác thành công ở một vài vụ cá nhân nhỏ lẻ. Lý do được đưa ra: do không có kinh phí để chuyên gia hóa giải được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ!
Nên đào tạo năng lực hòa giải viên, đó là ý kiến của bà Đỗ Ngân Bình, Tiến sĩ Trường Đại học Luật Hà Nội. Theo bà Bình, tiêu chuẩn đầu tiên phải là người có tâm, có tài để doanh nghiệp đặt hết niềm tin vào đó. Đóng góp ý kiến, ông Richard Fincher, chuyên gia Quốc tế thuộc Dự án Thúc đẩy quan hệ lao động Hoa Kỳ (USAID) đề xuất 5 giải pháp có thể áp dụng tại Việt Nam. Đó là: nhà nước phải tăng cường năng lực của hòa giải viên; hỗ trợ phát triển hệ thống trọng tài lao động; hỗ trợ phát triển các hệ thống quản lý mâu thuẫn, bất hòa như các Hội đồng hòa giải các cấp; khuyến khích các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập các tổ Hòa giải viên cơ sở và phải có chính sách hỗ trợ cải thiện các quy định hiện nay có liên quan nhiều đến quyền lợi người lao động.
P. Thanh