Trả lương theo hiệu quả công việc: Rất tốt, nhưng...
Phải tính toán một cách hợp lý, hài hòa cùng cả nước trong cơ chế lương, cơ chế đãi ngộ cho người lao động của thành phố này.
LTS: Cũng cho rằng về chủ trương định hướng trong đề xuất trả lương gắn với hiệu quả công việc của TP.HCM là rất tốt, song TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp vẫn cho rằng, vấn đề mang tính nguyên tắc, cốt lõi của việc thực hiện đề án về "chủ trương cải cách chính sách tiền lương" tại TP.HCM là phải lập ra được một "tấm lưới" khi xác định cơ cấu, số lượng CBCC theo nguyên tắc "vị trí việc làm". Để rộng đường dư luận, báo Đất Việt xin giới thiệu bài viết của ông về vấn đề này.
Vấn đề quan trọng cốt lõi nhất vẫn là phải xác định đúng nguyên tắc về đánh giá đúng số lượng, chất lượng lao động của cán bộ, công chức ở từng vị trí việc làm
"TP.HCM cùng cả nước, vì cả nước" là nguyên tắc định hướng đã được xác định và lãnh đạo các cấp từ thành phố tới Trung ương nêu ra khá nhiều lần. Vấn đề xây dựng cơ chế tiền lương của TP.HCM cũng không thoát ly khỏi nguyên tắc này, thiển nghĩ cần phải được nhắc lại và quán triệt trong điều kiện hiện nay.
Nguyên tắc "cùng cả nước vì cả nước" này phải được xem xét và xử lý một cách hài hòa, hợp lý ở tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực xác lập cơ chế đãi ngộ, trả lương riêng của thành phố. Mặc dù được chấp nhận cơ chế đặc thù, nhưng hơn bao giờ hết phải tính toán một cách hợp lý, hài hòa cùng cả nước trong cơ chế lương, cơ chế đãi ngộ cho người lao động của thành phố này. Nếu không khéo, sẽ tạo ra một "ốc đảo", tạo ra một sự "mất cân đối" trong tổng thể.
Vấn đề quan trọng cốt lõi nhất vẫn là phải xác định đúng nguyên tắc về đánh giá đúng số lượng, chất lượng lao động của cán bộ, công chức ở từng vị trí việc làm để từ đó xác định chế đội đãi ngộ, chế độ lương cho từng vị trí việc làm đó phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế tại TP.HCM.
Nói về xác định "vị trí việc làm", chúng ta phải thấy được sự khác biệt trong cơ chế tồn tại mấy chục năm qua ở Việt Nam so với các nước khác về chế độ lương, về sắp xếp việc làm trong đội ngũ CBCC. Mấy chục năm nay chúng ta xác định nguyên tắc tuyển dụng, sắp xếp, sử dụng CBCC theo từng "dải ngạch" CBCC: cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp... Trên nguyên tắc đó thì chúng ta tuyển dụng CBCC theo các "dải ngạch" cụ thể như cán sự, chuyên viên.
Thời gian gần đây, việc nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp được thực hiện theo chế độ thi tuyển nâng ngạch. Và mỗi đợt tuyển dụng và thi tuyển nâng ngạch thì đều đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí theo từng ngạch chứ không xác định theo "vị trí việc làm".
Ở nhiều nước người ta đã xác lập hệ thống nhân sự quản lý theo nguyên tắc "vị trí việc làm". Đó là, xác định tiêu chí, tiêu chuẩn yêu cầu chất lượng công việc cho từng "vị trí việc làm" một và thực hiện chế độ tuyển dụng, giao nhiệm vụ và xếp lương theo cơ chế này. Có thể hình dung một cách sơ bộ rằng, việc thực hiện nguyên tắc "vị trí việc làm" trong bố trí nhân sự quản lý ở nhiều nước giống như một "tấm lưới" có nhiều "mắt lưới", mỗi "mắt lưới"" là một vị trí việc làm" có tiêu chuẩn, có yêu cầu số lượng, chất lượng công việc phải làm và mức lương cụ thể cho người đảm nhiệm vị trí đó.
Ở Việt Nam trong một số năm gần đây cũng đã nói đến việc xác định cơ cấu và số lượng CBCC theo nguyên tắc "vị trí việc làm". Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ chế của chúng ta còn nửa vời và nhiều điểm còn khá mơ hồ, thiếu chuẩn mực bởi vì cách sắp xếp CBCC theo "dải ngạch" khác hẳn với cách sắp xếp CBCC theo "vị trí việc làm".
Quay trở lại với đề xuất chủ trương của TP.HCM, tôi cho rằng đó là một chủ trương tốt, cập nhật theo hướng quản lý hiện đại, phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước hết, TP.HCM cần phải lập ra được một "tấm lưới" khi xác định cơ cấu, số lượng CBCC theo nguyên tắc "vị trí việc làm". Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, cốt lõi của việc thực hiện đề án về "chủ trương cải cách chính sách tiền lương" tại TP.HCM.
Như trên đã nói, vài năm gần đây, tại các Bộ, ngành đã có bước tiến về việc xác định CBCC theo cơ cấu "vị trí việc làm" nhưng còn khá nhiều việc mơ hồ và chưa đạt chuẩn. Vậy TP.HCM cần phải tiến hơn một nước nữa về chất khi xây dựng cơ cấu "vị trí việc làm".
Vấn đề tiếp theo là từ cơ cấu "vị trí việc làm" theo yêu cầu quản lý, điều hành của thành phố, mới căn cứ vào khả năng, điều kiện về kinh tế, ngân sách và yêu cầu mang tính đặc thù của thành phố mà định giá trị, định mức lương cho từng "vị trí việc làm" đó. Nếu theo hướng này, theo tôi còn khá nhiều vấn đề còn phải xem xét, nghiên cứu, đặt chuẩn làm cơ sở cho việc triển khai trên thực tế. Chủ trương định hướng là rất tốt nhưng triển khai thực hiện thì còn khá nhiều việc phải làm. Không nên chậm trễ và cũng không nên chung chung, hời hợt tạo ra những "xao động", "biến động" không cần thiết.
Theo TS Lê Hồng Sơn - (nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp)/Báo Đất Việt